Những sai lầm phổ biến khi người bệnh tim mạch ăn uống

Admin

(NLĐO) - Người bệnh tim mạch uống thuốc điều trị nhưng không kiêng khem giống như đưa chất độc vào cơ thể. Điều này khiến thuốc giảm tác dụng.

Thông tin trên được TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), chia sẻ tại buổi tập huấn chăm sóc dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh, do Câu lạc bộ (CLB) Điều dưỡng trưởng Việt Nam cùng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức, ngày 21-10. 

Lớp tập huấn có sự tham gia của 300 điều dưỡng và nhân viên y tế trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận.

Những sai lầm phổ biến khi người bệnh tim mạch ăn uống - Ảnh 1.

TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), chia sẻ tại buổi tập huấn

Tại buổi tập huấn, TS-BS Lưu Ngân Tâm cho biết tại Việt Nam, các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 31% tổng số ca tử vong (năm 2016). Người bệnh tim mạch thường mắc các bệnh lý như huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu; đột quỵ; tim bẩm sinh…

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và đủ chất ở người cao tuổi

Một trong những sai lầm phổ biến của người bệnh tim mạch trong quá trình điều trị là uống thuốc nhưng không ăn kiêng.

"Dù nhiều người biết việc dinh dưỡng không đúng, nhưng nghĩ uống thuốc vào cơ thể sẽ điều chỉnh nhờ thuốc. Đây là sai lầm. Bởi uống thuốc điều trị nhưng không kiêng khem, giống như đưa chất độc vào cơ thể. Điều này khiến thuốc giảm tác dụng. Đồng nghĩa với việc, bác sĩ phải cho thêm nhiều loại thuốc như vậy sẽ xảy ra tác dụng phụ, việc điều trị gặp khó khăn, thậm biến chứng do chế độ ăn không đúng" – bác sĩ Tâm nhấn mạnh.

Bác sĩ Tâm cho biết đối với người bệnh tim nhưng vẫn uống rượu bia sẽ ảnh hưởng đến rối loạn chuyển hóa, có nhiều nguy cơ tăng axit uric, đái tháo đường… Lối sống, dinh dưỡng không hợp lý sẽ tăng cân. Trong khi đó, thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch. Thậm chí, nếu bệnh rồi thì rất khó điều trị nếu không tuân thủ dinh dưỡng.

Người bệnh tim mạch nên sử dụng các loại thực phẩm ít cholesterol, béo bão hòa như: thịt nạc bỏ mỡ, da; thịt gia cầm (không da); các loại cá; gạo lứt; cám gạo; cám yến mạc; bột mì nguyên cám; các loại hạt (đậu phộng, hướng dương, bí, óc chó, hạnh nhân…); táo, bơ, cà chua…

Bác sĩ Tâm khuyến cáo mỗi ngày, dành thời gian từ 60 đến 90 phút vận động như đi bộ, đạp xe, bơi lội… Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý tùy từng bệnh lý. Đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, cần tránh những loại thức ăn gây táo bón, sinh hơi. Bệnh nhân suy tim thì cần kiểm soát mức độ sodium. Riêng bệnh nhân mắc bệnh tim nặng như viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, phẫu thuật mạch máu… thì cần điều trị dinh dưỡng chuyên biệt.

Một số thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh tim như: nội tạng động vật; trứng; dầu dừa; mỡ heo nước; dầu cọ… Ngoài ra, tránh ăn hay uống thực phẩm có nhiều năng lượng như xoài chín; sầu riêng; mít; sa pô chê; các loại bánh ngọt; sôcôla; nước ngọt; bia; cà phê sữa… Một số món ăn năng lượng cao gồm mì tôm; gà rán; bánh tráng trộn; trà sữa; …