Bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh như Đại Nội Huế, sông Hương, hay chùa Thiên Mụ, vùng đất Cố đô còn thu hút du khách với nền ẩm thực đặc trưng riêng, đủ sắc, đủ vị mà hiếm đâu có được. Nhiều người đi Huế trót phải lòng với các món ăn thanh tao nơi đây. Chẳng hiểu sao mà vùng đất cố đô lại sản sinh ra nhiều món ẩm thực vừa ngon vừa độc lạ lại hiếm nơi nào bán, chỉ có đến tận nơi, vào tận mùa bạn mới có cơ hội thưởng thức một lần. Chắc cũng vì lẽ đó mà du lịch Huế có thể níu chân du khách thập phương đến đây để thưởng thức cho bằng được đặc sản.
Dưới đây là một số món ăn độc đáo, một trong những "cực phẩm" nổi tiếng tại Huế.
Bánh phất
Bánh phất, một món bánh có tên kỳ lạ mà hiện nay ít nơi ở Huế còn bán. Bánh phất Huế có vỏ ngoài làm từ bột gạo như bánh ướt, phần nhân gồm rau củ xào ăn, một ít thịt luộc hoặc chả ăn kèm với rau sống và nước mắm chanh tỏi ớt. Nghe qua thì loại bánh này rất giống với món bánh cuốn, thế mà lại không phải là bánh cuốn.
Ảnh: @eatingwithchangchang
Sở dĩ có tên gọi là "bánh phất" bởi động tác làm bánh, thay vì chỉ cần cho nhân vào trong và cuốn lại thì người bán sẽ gập hoặc lật nhanh, động tác này tiếng Huế hay gọi là phất (hất) bánh, chính vì vậy mà cái tên ngộ nghĩnh và độc đáo này ra đời.
Ảnh: @Food&travel
Bánh phất có hai loại gồm cả nhân mặn và nhân ngọt. Bánh phất ngọt thì được làm từ bột lọc và nhân là từ các loại củ quả như khoai lang, khoai tía, đậu xanh, bí đỏ… là một trong những món bánh của cung đình xưa. Đây vừa là thức quà vặt có thể làm ấm lòng người lỡ bữa, vừa là thứ bánh được hiện diện trong dịp Tết ở những vùng quê của Huế vài chục năm về trước nhờ vào sắc màu bắt mắt cùng với hy vọng cuộc sống sung túc, lên hương.
Ảnh: @eatingwithchangchang
Ở Huế hiện nay món bánh phất đã không còn được bày bán nhiều, nếu muốn nếm thử hương vị của loại bánh đậm chất Cố Đô, bạn có thể tìm thử ở các quán bán bánh nậm bánh bèo hoặc một địa chỉ được nhiều người giới thiệu nhất là quán bà Toàn nằm ở số 9 Ưng Bình, Phường Vỹ Dạ, Tp. Huế.
Bún giấm nuốc
Vẫn là một món ngon dân dã, nhưng không thấy ở đâu, ngoài xứ Huế có món bún này. Nguyên liệu chính làm nên món bún này là con nuốc, nghe tên thì có vẻ lạ nhưng nuốc cũng là một loại động vật nhuyễn thể có vẻ ngoài khá giống với sứa biển.
Con nuốc thường nổi lên thành từng mảng vào mùa hè ở các vùng nước lợ của Huế. Những con nuốt trong xanh mơn mởn chỗ mềm chỗ giòn sần sật, thanh thanh. Nên đến Huế trong dịp hè với cái nóng oi ả thì chỉ cần ăn một tô bún giấm nuốc là cảm thấy mát hẳn ra.
Ảnh: @ryanfoodaholic, @2_2kim, @anchichuhueoi
Bún giấm nuốc nhìn hình thức thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra để chế biến được một tô bún chuẩn lại rất cầu kỳ. Mỗi tô có bún tươi, chả cá, tôm, bánh tráng bùi bùi và một ít "nuốc chân", bên cạnh đó còn được ăn kèm với bắp chuối sứ xắt mỏng trộn với kinh giới, giá và các loại rau thơm. Mỗi thứ chút chút mà đủ vị và tất nhiên thêm chút cay cay của ớt Huế.
Ảnh: @nhinhioi, @ryanfoodaholic
Dù là món ăn đặc sản nhưng hiện nay không phải nơi nào tại Huế cũng có món bún giấm nuốc. Theo chân dân sành ăn xứ Huế cho biết, hiện tại chỉ còn một quán ở Huế bán món bún giấm nuốc ngon nằm ngay chân cầu Gia Hội, chỉ với 30.000 đồng bạn đã có thể thưởng thức hương vị của món bún độc nhất vô nhị tại Huế này.
Bánh đúc mật
Khi nghe tên Bánh đúc mật, mọi người cũng có thể hình dung nguyên liệu chính cho món ăn này là từ bột và có vị ngọt. Đơn giản vậy nhưng bánh lại rất đặc biệt vì chỉ bán vào mùa Xuân mà thôi. Bởi bánh đúc mật được làm từ bột gạo và một loại lá, gọi là lá bồng bồng. Lá để làm bánh chỉ là lá non (mùa Xuân cây có nhiều lá non), từ xưa đến nay, người Huế chỉ làm món bánh đúc mật vào độ Tết đến xuân về, khác với các loại bánh khác có thể làm quanh năm.
Ảnh: @street food Thảo Vy
Bánh màu xanh được cắt từng miếng vừa ăn rất khéo, được gói lại trong miếng lá chuối tươi, Người Huế khi ăn món bánh này không dùng thìa hoặc đũa như các loại bánh thông thường mà dùng dao tre để quết mật lên bánh, một kiểu cách Cố đô. Đây cũng là một trong những thức quà của tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xứ Huế.
Ảnh: @KhamphaHue
Bánh ăn chung với mật mía, vừa bùi bùi, vừa ngọt ngọt. Người Huế quan niệm rằng ăn bánh đúc mật vào dịp Xuân về Tết đến cho tươi xanh, ngọt ngào! Hiện nay, bánh có bán ở một số chợ như An Cựu, Bến Ngự và có thêm 1 địa chỉ cố định là 214 Phan Châu Trinh, Tp. Huế. Mỗi gói độ chừng 8-10 miếng được cắt ra vừa ăn, có giá 20-30.000 đồng nhưng rất đắt khách.
Ảnh: @DonghuongKonTum
Bột lọc chiên
Nếu bánh bột lọc truyền thống được hấp chín với lớp vỏ mềm mịn thì phiên bột lọc chiên cũng là món đặc trưng tại Huế.
Bánh bột lọc chiên chế biến khá đơn giản. Bột lọc được nhồi rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ. Bên trong bánh có nhân là những chú tôm nhỏ. Một trong những bí quyết để khi chiên, bánh không nổ và vỡ tung nhân làm bánh được đảo qua nước nóng và trộn với dầu ăn. Trước khi chiên thì lấy vá vớt ráo và đổ vào chảo dầu đang sôi. Từng chiếc bánh sẽ nhanh chóng phồng lên. Vỏ bánh xù lên trắng đục và hơi vàng là được.
Ảnh: @foodyhue
Chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng lại có sức quyến rũ riêng biệt làm người ta ăn vào sẽ nhớ mãi. Người Huế có thể thưởng thức bánh bột lọc chiên vào bất kì thời gian nào nhưng thời điểm có chút gió se thì lý tưởng hơn cả. Bánh vừa chiên xong sẽ rất nóng hổi, giòn dai, có vị mặn mặn của tôm, thịt băm, ăn kèm với nước chấm cay cay. Bánh có thể dùng thêm cùng với trứng cút hoặc tré để giảm bớt vị ngấy của dầu ăn.
Chìm đắm trong khung cảnh mộng mơ xứ Huế, ngoài thưởng thức những món ăn trứ danh vùng đất này thì bạn hãy thử một lần thưởng thức những món ăn độc lạ trên để có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị Cố đô nhé.