Nhiều bộ chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Admin

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần có sự đổi mới, cải tiến cả về nội dung, cách thức ban hành Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Sau hơn một năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18, đến nay, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã làm việc với 15 bộ ngành ở Trung ương và 15 địa phương.

Qua giám sát cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đều có ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn một số nơi, một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt, quyết tâm và coi tiết kiệm chống lãng phí là việc làm thường xuyên, liên tục.

Theo quy định, hàng năm và các bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn và hàng năm, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiết kiệm chống lãng phí.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đều chậm ban hành Chương trình, trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra lại lồng ghép vào hoạt động thanh tra, kiểm tra chung mà không thành lập các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí.

Tại các buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn và hàng năm, vẫn còn nhiều đơn vị chậm ban hành các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, qua giám sát, một số bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu, hệ thống báo cáo các nội dung, chỉ tiêu liên quan đến Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dẫn đến khó lượng hóa kết quả, khó khăn trong công tác tổng hợp, đối chiếu, so sánh kết quả thực hiện hàng năm với các chỉ tiêu của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đề ra…

Tiêu điểm - Nhiều bộ chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (Ảnh: Quochoi.vn).

Nêu ý kiến tại buổi giám sát với Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng, Bộ Y tế chưa nêu rõ việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong khi đó theo quy định, cần ban hành Chương trình cho cả giai đoạn và hàng năm, với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm căn cứ để đánh giá việc thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính, bà Xuân khẳng định, một trong những hoạt động trọng tâm của Đoàn giám sát là việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm tổng thể theo giai đoạn và hàng năm.

Qua giám sát cho thấy, có những địa phương, bộ ngành thừa nhận việc ban hành còn hình thức, ban hành xong nhưng không tiến hành đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu trong giai đoạn và hàng năm đạt kết quả như thế nào.

“Trong báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhìn nhận rõ vấn đề này. Tôi thấy việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện chưa nghiêm, làm giảm hiệu lực hiệu quả trong thực thi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong cả nước như thế nào?”, bà Xuân nêu vấn đề.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng băn khoăn, đến giữa năm Bộ Y tế mới ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm, như vậy là quá muộn.

Tiêu điểm - Nhiều bộ chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí (Hình 2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có sự đổi mới, cải tiến cả về nội dung, cách thức ban hành Chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Để việc ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không còn chung chung, trùng lặp, giống nhau giữa các giai đoạn và các năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có sự đổi mới, cải tiến cả về nội dung, cách thức ban hành Chương trình.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ nhằm đổi mới việc ban hành và thực hiện Chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đổi mới Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên tập trung vào lĩnh vực trọng tâm trọng điểm, đặt mục tiêu cụ thể tạo sự chuyển biến rõ rệt trong từng lĩnh vực; sau khi ban hành cần tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện và tiến hành tổng kết.

Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ xây dựng báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí hàng năm cũng cần cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng Chương trình hành động đến cách thức triển khai, sơ kết, tổng kết, cách thức báo cáo trước Quốc hội, vừa đảm bảo tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể.