Nhật Bản chuyển mình thế nào để có nền giao thông an toàn bậc nhất thế giới?

Admin

Cho tới đầu thập niên 1970, Nhật Bản vẫn là nước có tỉ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao, nhưng giờ họ là một trong những quốc gia có nền giao thông an toàn bậc nhất.

Vào giữa tháng 8 qua, Cục An toàn giao thông đường bộ Mỹ công bố tai nạn giao thông tại nước này vẫn đang tăng mạnh. Ước tính có 9.560 người tại Mỹ tử vong vì tai nạn giao thông chỉ trong quý 1 năm nay, cao hơn 7% so với năm 2021 và là mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Trong năm 2021, có 43.000 người tại đây mất mạng cũng vì nguyên nhân nói trên.

Tình cảnh này trái ngược với Nhật Bản, nơi trong năm 2021 có chưa tới 3.000 ca tử vong vì tai nạn giao thông. Tính theo tỉ lệ đầu người, Nhật Bản có 2,24 người chết vì tai nạn giao thông trong số 100.000 người, trong khi Mỹ là 12,7/100.000. Số ca tử vong nói trên cũng là mức thấp nhất Nhật từng ghi nhận từ thập niên 1960.

Trên thực tế, vào giai đoạn thập niên 1960 tới đầu 1970, Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giao thông kinh hoàng bậc nhất. Sự bùng nổ về kinh tế giúp hàng triệu người mua xe, và việc thiếu kinh nghiệm cầm lái khiến tỉ lệ số ca tử vong vì tai nạn giao thông khi đó cao gấp 6 lần hiện nay, tới mức những con phố tại Nhật chứng kiến hiện tượng gọi là "cuộc chiến giao thông".

Nhật Bản chuyển mình thế nào để có nền giao thông an toàn bậc nhất thế giới? - Ảnh 1.

Hiện hệ thống tàu của Nhật Bản vẫn là một trong những hệ thống hoàn chỉnh nhất thế giới, mang lại một giải pháp thay thế hữu hiệu cho người có nhu cầu di chuyển - Ảnh: Bloomberg


Để hạn chế tình trạng trên, người Nhật đã ứng dụng cùng lúc nhiều giải pháp từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Họ đưa vào ứng dụng mạng lưới tàu siêu tốc đầu tiên trên thế giới là Shinkansen từ năm 1964. Cho tới tận ngày nay, hệ thống tàu siêu tốc Nhật vẫn là một trong số hiếm hoi những hệ thống có độ hiệu quả đủ thay thế phương tiện cá nhân.

32 tàu vận hành hằng ngày từ Osaka tới Tokyo để hoàn tất quãng đường 500km chỉ trong 2,5 tiếng - con số chưa bằng một nửa so với thời gian đi xe trên cao tốc (ước tính 6 giờ).

Ngay cả các thành phố và thị trấn nhỏ hơn của Nhật Bản cũng có hệ thống đường ray tàu hỏa phục vụ tận nơi (dù không tới mức tàu siêu tốc như Shinkansen) cũng làm giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.

Trong năm 2019, hệ thống tàu của Nhật đón số hành khách gấp 13 lần Amtrak của người Mỹ, dù dân số nước này thấp hơn 2,5 lần.

Giải pháp kế tiếp mà người Nhật thực hiện là không cho phép đỗ xe dưới lòng đường. Tại Nhật, chủ xe phải có "chứng nhận garage" - shako shomei sho buộc họ phải tìm được chỗ đỗ qua đêm trong nhà hoặc tại khu để xe dân cư.

Không một chiếc xe nào được phép đỗ dưới lòng đường. Đây cũng là một phương pháp hạn chế bùng nổ ô tô tại Nhật để khuyến khích người dân đi bộ, tàu hoặc xe đạp.

Việc không có xe đỗ ở lề đường cũng tăng tầm quan sát cho người lái xe và người tham gia giao thông nói chung. Phương thức này hiện nay đang được Philippines học hỏi.

Nhật Bản đặc biệt hỗ trợ phân khúc mà không một quốc gia nào khác có: xe kei. Những chiếc xe nhỏ nhắn dạng này có quy định đặc biệt về trọng lượng và kích thước, giúp chúng dễ len lỏi trong các con phố nhỏ và nằm trong tầm tiếp cận tốt của người dùng (10.000 - 20.000 USD chưa tính trợ giá từ chính phủ). Có khoảng 1/3 xe mới bán ra tại Nhật Bản là xe kei.

Nhật Bản chuyển mình thế nào để có nền giao thông an toàn bậc nhất thế giới? - Ảnh 2.

Những mẫu xe bán chạy nhất tại Nhật Bản luôn là xe kei với một cái tên nổi bật trong nhiều năm trở lại đây là Honda N-Box - Ảnh: MotorTrend


Do trọng lượng nhỏ và công suất giới hạn, va chạm do xe kei gây ra có lực tác động nhỏ hơn thường thấy rất nhiều.

Đầu xe phẳng lì mang lại tầm quan sát trực tiếp phía trước rất tốt cho người lái. Khả năng an toàn của hành khách ngồi trên xe kei theo nghiên cứu không kém xe cỡ lớn.