Nhà thầu xây dựng có nguy cơ phá sản vì không thu hồi được nợ

Admin

Phần lớn DN trong ngành xây dựng dự chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng trong 2022, bởi những lo ngại về dòng tiền cùng các chi phí lớn.

Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp sáng 11/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có loạt kiến nghị với người đứng đầu của Chính phủ để mong được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn

Ông Hiệp nhấn mạnh, doanh nghiệp xây dựng đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế chung với tỉ lệ khoảng 12% GDP hằng năm. Sau Covid-19, doanh nghiệp xây dựng vực dậy. Có những doanh nghiệp tăng trưởng gần 300% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18 - 40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực, công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp. Cùng với đó, khó khăn về những vướng mắc thủ tục pháp lý trong việc đầu tư nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn.

“Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn”, ông Hiệp nói.

Kinh tế vĩ mô - Nhà thầu xây dựng có nguy cơ phá sản vì không thu hồi được nợ

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (Ảnh: VGP).

Về vấn đề nợ đọng xây dựng, ông Hiệp cho biết, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (khoảng 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ đồng; chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm.

“Có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng. Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ”, ông nói.

Về các loại nợ đọng, có 2 loại là nợ công trình vốn đầu tư công và nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Trong đó, nợ công trình vốn đầu tư công là các khoản nợ chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Còn nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Loạt kiến nghị của VACC với Thủ tướng

Trong nội dung kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VACC đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình.

Trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cậpp nhật với công nghệ xây dựng mới đồng thời chuyển hướng dần theo hướng xây dựng đơn giá tổng hợp để lập tổng mức đầu tư cho các dự án, bỏ dần hệ thống định mức chi tiết.

Cùng với đó, có chế tài với các địa phương trong việc công bố các chỉ số giá vật liệu không cập nhật với giá thị trường.

Theo ông Hiệp, hiện nay hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu đang không có sự bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu (đặc biệt trong khâu thanh toán). Các nhà thầu phải có tới 4 loại bảo lãnh ngân hàng khi tham gia một dự án nhưng ở phía chủ đầu tư thì không có bất kỳ bảo lãnh não. Vì vậy phần lớn mọi rắc rối thường hay xả ra ở khoản 20% thanh toán cuối đời dự án.

Một số dự án áp dụng dạng hợp đồng trọn gói hoặc hình thức đơn giá cố định trong bối cảnh vật liệu xây dựng tăng cao từ 20 - 35% mà hợp đồng thì kéo dài 3 - 4 năm khiến cho các các doanh nghiệp xây dựng đều tiến thoái lưỡng nan.

Kinh tế vĩ mô - Nhà thầu xây dựng có nguy cơ phá sản vì không thu hồi được nợ (Hình 2).

Hiệp hội Nhà thầu kêu cứu Thủ tướng vì giá vật liệu tăng, nhiều DN không muốn làm dự án đầu tư công (Ảnh: Hữu Thắng).

Do đó, Hiệp hội xin đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT nghiên cứu xem xét mô hình hợp đồng cho từng loại hình đầu tư trong đó ở loại hình đầu tư ngoài ngân sách cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư ở 20% cuối cùng.

Đồng thời xem xét điều chỉnh các loại hình hợp đồng phù hợp với thông lệ quốc tế (FIDIC) cụ thể dạng hợp đồng trọn gói chỉ được áp dụng khi các yếu tố đầu vào được xác định rõ ràng cộng với tiến độ chỉ thực hiện trong vòng 24 tháng…

Vấn đề nguồn vốn tín dụng và lãi suất, ông Hiệp nhấn mạnh các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các Hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết “room” tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao.

“Hiệp hội xin đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất”, ông Hiệp nêu.

Chủ tịch VACC nhấn mạnh, nếu các vướng mắc này sớm được tháo gỡ, các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, sẽ được đẩy nhanh góp phần tích cực vào việc phục hồi phát triển kinh tế toàn xã hội.

Xem thêm: 

Nhiều doanh nghiệp dệt may đọng tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài

Chủ tịch Vietravel: Doanh nghiệp du lịch gặp sức ép rất lớn về tài chính

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp