Sáng 4/10, sau 2 ngày ngừng việc tập thể, hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn chưa quay lại làm việc. Sáng sớm đoàn công tác liên ngành tỉnh Nghệ An và huyện Diễn Châu, cùng lãnh đạo công ty TNHH Viet Glory tổ chức đối thoại với người lao động.
Trước đó, vào ngày 2/10, sau khi kết thúc giờ ăn cơm trưa, hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đồng loạt ra về. Có khoảng 90% công nhân công ty không vào ca làm việc buổi chiều cùng ngày.
Sự việc công nhân ngừng việc tập thể là tự phát, không thông qua tổ chức công đoàn. Có 8 nhóm kiến nghị của người lao động đã được tổ chức công đoàn chuyển tới lãnh đạo công ty, trong đó tập trung vào hai vấn đề chính là tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm.
Trong thông báo gửi người lao động sau đó, lãnh đạo công ty cho biết, về yêu cầu tăng lương: Theo quy định, mức lương tối thiểu vùng III Diễn Châu là 3.640.000 đồng, mức lương cơ bản hiện tại của công ty là 4.130.000 đồng, cao hơn so với mức lương cơ bản vùng, phù hợp với quy định. Xem xét tình hình hiện tại, công ty không thể điều chỉnh tăng lương, mong công nhân thông cảm và chia sẻ.
Công ty cũng quyết định tăng mức thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà máy để đảm bảo thu nhập cho người lao động và phù hợp với tình hình hiện tại. Liên quan đến việc tăng số lượng người được tính độc hại, tăng phụ cấp độc hại và thưởng tháng 13 được lãnh đạo công ty hứa sẽ xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Trong sáng 4/10, một số kiến nghị điều chỉnh tiền ăn ca, phụ cấp xăng xe, tiền chuyên cần, thâm niên, thi tay nghề... đã được đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An tiếp nhận và chuyển đến lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory.
Trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung kiến nghị của người lao động cũng như giải pháp xử lý của công ty. Phía Liên đoàn lao động tỉnh kêu gọi các công nhân sớm trở lại làm việc để đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động cũng như duy trì hoạt động sản xuất của công ty. Ông Công mong muốn giữa người lao động và người sử dụng lao động tìm được tiếng nói chung, trên cơ sở hài hòa lợi ích và phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như khả năng của công ty trong thời điểm nhiều khó khăn về đơn hàng như hiện tại.
Minh Tâm - Hà Hằng