Ngay đầu năm 2024, Ngân hàng SCB X của Thái Lan chính thức xác nhận việc mua lại 100% vốn điều lệ của Home Credit Việt Nam. Tổng giá trị thương vụ là 20.973 tỷ đồng (tương đương 860 triệu USD). Với giá trị lên đến 22.000 tỷ đồng, đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC với giá trị 1,37 tỷ USD diễn ra vào năm 2021.
Hai thương vụ trị giá tỷ USD này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại. Trong thông cáo gửi đi, ông Arthid Nanthawithaya, CEO của SCB X cho biết: "Thương vụ này đánh dấu khởi đầu cho việc SCB X mở rộng sang Việt Nam, quốc gia có dân số hơn 100 triệu người".
Trước đó, ông Jun Ohta - Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC – cũng khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm. Thương vụ SMBCCF nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay VPBank là minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư ngoại vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Mới nhất, thị trường tiếp tục đón thêm một đơn vị mới nhập cuộc: Cathay United Bank. Đến từ Đài Loan, trong quá khứ Cathay chủ yếu tập trung vào tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam. Tham gia mảng tài chính tiêu dùng trong bối cảnh thị trường đang rơi vào vùng trũng khi nợ xấu tăng đến mức báo động sau thời gian tăng trưởng nóng, lãnh đạo Cathay vẫn tự tin vào quyết định của mình.
"Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và nhu cầu tài chính mạnh mẽ. Việt Nam còn có lợi thế là thị trường có dân số trẻ, hơn 100 triệu người, độ tuổi trung bình 30 và ngày càng quen thuộc với việc sử dụng các công cụ thanh toán số", đại diện Cathay cho hay.
Theo dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Statista, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về tỉ lệ thâm nhập thanh toán di động vào năm 2022. Thế hệ Z, từ 25 đến 34 tuổi, thông thạo hệ sinh thái kỹ thuật số và đang trở thành thế lực phá vỡ hoạt động ngân hàng truyền thống.
Thêm vào đó, cơ sở pháp lý cũng vững hơn khi cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư số 06 quy định về kinh doanh tín dụng trực tuyến của cá nhân tại tổ chức tín dụng. Đây là quy định cụ thể đầu tiên về cho vay trực tuyến nhằm điều chỉnh sự phát triển của doanh nghiệp cho vay trực tuyến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghệ tài chính Việt Nam.
Thực tế, đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào lĩnh vực tài chính, tiêu dùng của Việt Nam.
Đơn cử, thương vụ chuyển nhượng 100% phần vốn góp của SeABank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial của Nhật Bản vào cuối năm 2023 với giá trị lên đến 4.300 tỷ đồng.
Ông Kenji Fujita, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc AEON Financial đánh giá, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trong khu vực. Ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, PTF cũng dự định phát hành thẻ tín dụng trong tương lai. "Chúng tôi sẽ đóng góp càng nhiều càng tốt vào thị trường tài chính Việt Nam bằng kiến thức đã tích lũy tại Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác", ông Kenji nói.
Một thương vụ M&A khác là SHB bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Krungsri của Thái Lan. Tổng giá trị thương vụ ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. SHB đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHB Finance cho Krungsri trong tháng 6/2023. Krungsri là thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản), nắm giữ 76,88% vốn.
Trước đó, tháng 3/2023, UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi. Với giá trị mỗi giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhóm ngành dịch vụ tài chính được kéo lên top đầu hoạt động M&A năm 2023, tạo điểm sáng mới cho sự tăng trưởng của thị trường.
Công ty TNHH HD Saison cũng bán 49% vốn thuộc về Tập đoàn Credit Saison; Tập đoàn Shinsei giữ 49% cổ phần Mcredit (MB); Công ty tài chính Lotte Finance mua 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance); Thương vụ mua lại 100% vốn chủ sở hữu trong Công ty TNHH Tài chính Prudential Việt Nam bởi Công ty TNHH Shinhan Card, nay đổi tên thành Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam…
Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Sau thời gian tăng trưởng nóng, cùng với khó khăn hậu Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế, thị trường hiện đang gặp nhiều thách thức.
Thống kê chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính giảm tới 70.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Nhiều công ty tài chính từ lãi khủng đã công bố lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình 60-70% GDP của các nước trong khu vực châu Á. Các chuyên gia nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2024, thị trường kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc vì theo các chuyên gia, ba yếu tố là tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Trong đó, tiêu dùng nội địa đang được khuyến khích đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, bao gồm giải pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng.