2 năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA, mở ra cơ hội lớn cho từng mặt hàng. Trong đó, ngành thuỷ sản vẫn là ngành tận dụng tốt nhất trong các mặt hàng xuất khẩu sang EU.
Tại toạ đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng” sáng 8/8, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, dù là ngành tận dụng được tốt nhất từ EVFTA nhưng đang có 4 thách thức lớn đối với thuỷ sản khi xuất khẩu sang EU.
Bà Hằng cho biết, dù VASEP, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp để đào tạo cho doanh nghiệp đảm bảo về chứng nhận xuất xứ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp CO, quy tắc xuất xứ. Đây chính là trở ngại đối với thuỷ sản khi xuất khẩu sang EU.
Thứ hai là thẻ vàng IUU. Theo bà Hằng, đây là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thuỷ sản sang EU, làm thiếu nguyên liệu xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này.
Thứ ba, lạm phát của EU hiện nay khiến thương mại sang thị trường này đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. “Thực tế này đang dẫn tới người tiêu dùng EU thắt chặt chi tiêu, tập trung vào mặt hàng giá vừa phải. Mặt khác, tỉ giá EUR so với USD thấp nhất sau 20 năm khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và điều này khiến cho nhà nhập khẩu sẽ thương lại với nhà nhập khẩu trong việc chậm đơn hàng”, bà Hằng nói.
Thứ tư, là áp lực cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam đối với các đối thủ khác, như cạnh tranh về mặt hàng tôm của Ấn Độ, Ecuador… do nguồn cung, chi phí vận tải. Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như về yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, hay yêu cầu về môi trường, lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thuỷ sản Việt Nam khi khai thác thị trường EU.
Đại diện VASEP nhấn mạnh, để tận dụng thị trường EU, trước hết phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thể xanh để tăng cơ hội cho thuỷ sản.
“Nếu Việt Nam để bị chuyển sang thẻ đỏ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thuỷ sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ”, bà Hằng cho hay.
Cũng theo bà Hằng, ngoài quy định khắt khe về xuất xứ, ngành thuỷ sản cũng như các ngành khác còn đối diện thách thức về cạnh tranh với các nước khác, từ việc sản xuất năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có khu vực sản xuất tập trung dẫn tới chất lượng, số lượng đều có những hạn chế.
Vì thế, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư về khoa học công nghệ cho con giống, thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt là tăng cường các giải pháp để tận dụng được chế biến phụ phẩm trong ngành thuỷ sản, bởi phụ phẩm chiếm khoảng 40-50% sản lượng thuỷ sản.
Về Hiệp định EVFTA, VASEP mong có thêm sự hỗ trợ từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ để giảm bớt các vướng mắc khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.