Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập kỷ qua.
Hiện, Mỹ vẫn coi Việt Nam nằm trong số các nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với các DN Việt Nam, nhất là những bất lợi trong các vụ điều tra chống bán phá giá. Trong khi đến nay, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới.
Nhận xét về tiến trình Mỹ xem xét quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Mỹ xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam là một bước tiến mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Điều này sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư.
Ông Phương nhìn nhận, sở dĩ tiến trình này khá chậm trễ và có phần thận trọng, bởi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường, hiện nay trong nền kinh tế thị trường vẫn có sự định hướng, can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước.
“Đây cũng là quá trình phát triển tất yếu khi nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng dưới tác động bên ngoài ngày một phức tạp. Nhưng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường là rất cần thiết, dẫn dắt thị trường phát triển theo hướng tích cực và khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường gây ra, từ đó phát triển nền kinh tế một cách tốt nhất”, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương đánh giá.
Thực tế sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Kinh tế Việt Nam có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Vì vậy, khi được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, Việt Nam càng có điều kiện chứng tỏ và gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu.
Từ thực tế nghiên cứu hoạt động thương mại, ông Phương cho biết, nếu một đối tác thương mại chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường, nước nhập khẩu hàng hóa từ nước đối tác này có thể sử dụng công cụ thay thế để quyết định xem các hàng hóa nhập khẩu có được bán với các mức giá thấp thiếu công bằng hay không, sau đó có thể tính toán phạm vi áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm, thông qua việc sử dụng các phương pháp luận của mình, không sử dụng các dữ liệu từ nước xuất khẩu.
“Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường sẽ là điều đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Phương khẳng định song cũng lưu ý, khi được công nhận có nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước, cải cách pháp luật, đảm bảo cho Nhà nước không ngừng vững mạnh, có hiệu lực để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hành dân chủ, giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập vững chắc vào đời sống quốc tế.
Việc Mỹ xem xét nâng cấp Việt Nam lên quy chế nền kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là quan điểm của Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khi đánh giá tiến trình này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong hợp tác đầu tư cũng như thương mại với nhiều quốc gia khác.
Đặc biệt, với vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn của mình, khi Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam tạo ra cách nhìn mới về Việt Nam trong mắt của các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác tiềm năng của Việt Nam. Từ đó tạo thêm nhiều cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với nhiều chính sách ưu đãi lớn.
“Mỹ và nhiều đối tác thương mại công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mở ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại, cụ thể bằng việc Việt Nam có khả năng tiếp cận nhiều FTA thế hệ mới. Các hiệp định này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Ở vị thế của một nền kinh tế thị trường được Mỹ và thế giới công nhận, Việt Nam sẽ đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh với tầm nhìn xây dựng mô hình tăng trưởng có năng suất cao hơn”, PGS.TS Định Trọng Thịnh nhận xét.
Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, để thực sự có một nền kinh tế thị trường và duy trì được mức tăng trưởng cao trong giai đoạn phát triển tiếp theo, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi các ngành thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao.