“Công nghệ xoong nồi và chảo khuấy”
Tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - hiện trạng và giải pháp” do Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức sáng 23/8, thông tin về tình hình hàng giả trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền có nhiều biến động.
Theo đánh giá của lực lượng QLTT, với thị trường hiện nay các phương thức, thủ đoạn cũng như tình hình sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền gói gọn trong bốn yếu tố chính:
Đầu tiên hàng giả hiện nay tràn lan với quy mô hầu hết các lĩnh vực, từ truyền thống cho đến kênh hiện đại như thương mại điện tử.
“Trong quá trình dịch Covid-19, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, dẫn đến việc ranh giới giữa thực và ảo, giữa sản xuất và kinh doanh khi đưa hàng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đến với người tiêu dùng có phương thức mới thông qua các đơn vị vận chuyển. Thời gian qua, khi thương mại điện tử phát triển thì việc lưu thông và sản xuất cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về không còn rõ ràng dễ tạo ra khoảng trống để làm giả”, ông Lê cho hay.
Theo ông Lê, mặt hàng giả hiện nay không chỉ là sản phẩm tiêu dùng như balo, sách, vở… mà các sản phẩm hóa, dược như nước hoa, thuốc trừ sâu, hóa mỹ phẩm thậm chí dược phẩm cũng được làm giả.
Đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, quy mô hàng giả sản xuất trong nước rất nhỏ lẻ, chủ yếu thủ công. Bởi, các đối tượng luôn phải di chuyển nơi sản xuất để đối phó với lực lượng chức năng. “Không thể đầu tư một nhà máy, khu công nghiệp để sản xuất hàng giả được, chủ yếu sẽ làm ở trong các làng nghề, trong những nơi thực tế chỉ là xoong nồi và máy khuấy. Rất nhiều vụ việc khi QLTT kiểm tra các đơn vị sản xuất hàng giả như TPCN, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… đến nơi chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo khuấy”.
Tuy nhiên, hiện nay với hội nhập kinh tế sâu rộng ông Lê cho biết việc sản xuất hàng giả không chỉ ở trong nước mà còn đặt hàng sản xuất làm giả ở nước ngoài, vận chuyển về trong nước, đây là điều cực nguy hiểm.
Từ những phân tích trên, ông Lê cho rằng thuốc giả hay TPCN giả có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thêm nữa, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng vì bỏ tiền thật ra nhưng lại mua phải thuốc giả, TPCN giả.
Cùng với đó, theo ông Lê, việc xuất hiện thuốc, TPCN giả ảnh hưởng đến uy tín của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế, trong những điều khoản khi ký với các nước về hiệp định song phương, đa phương là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đặt lên hàng đầu, nếu làm giả thì doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực dược phẩm sẽ không muốn đầu tư vào Việt Nam.
Mặt hàng duy nhất không ai mặc cả
Chỉ ra nguyên nhân khiến thuốc giả, TPCN giả ngày càng nhiều, ông Lê cho biết do lợi nhuận trong việc làm giả đối với mặt hàng thuốc, TPCN là siêu lợi nhuận, nên các đối tượng tìm cách làm giả, xách tay về bán.
“Có một mặt hàng duy nhất không ai mặc cả khi ra mua đó là thuốc, TPCN, tôi chưa thấy ai trả giá một vỉ thuốc 10.000 xuống 7.000 đồng có được không? Đây là cái tạo ra siêu lợi nhuận, dẫn đến các tổ chức, cá nhân cố gắng làm thuốc giả để bán, tiêu thụ”, ông Lê phân tích.
Thêm một nguyên nhân được ông Lê chỉ ra đó là do ý thức của người dân chưa cao, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 người dân đổ xô đi mua khẩu trang…người dân tự ý đi mua không cần kê đơn, tự biến mình thành bác sĩ.
“Mua trên thương mại điện tử là chúng ta mua trên niềm tin, có nhiều trường hợp bị lừa như có những sản phẩm mời các nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, thổi phồng công dụng nhưng thực tế không phải vậy… người dân cả tin mua”, ông Lê nói.
Cùng với đó, quá trình kiểm tra thuốc và TPCN kinh phí giám định rất lớn, nên hiện nay chuyển sang chế độ hậu kiểm, nếu không đạt yêu cầu thì xử lý; sự vào cuộc chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt của các doanh nghiệp, hiệp hội…
Thêm một nguyên nhân được ông Lê đưa ra là Lực lượng QLTT chưa được đào tạo chuyên sâu về thuốc và TPCN cũng như thiếu thông tin về việc Bộ Y tế cấp phép thuốc, TPCN nào, thu hồi những loại nào để QLTT nắm được…
Từ đó, ông Lê đưa ra kiến nghị, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sựđồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thuốc, TPCN giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cần có sự tham gia quyết liệt của các Hiệp hội có liên quan phối hợp với doanh nghiệp trong đấu tranh chống thuốc, thực phẩm chức năng già, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếp đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng Quản lý thị trường khi thực thi nhiệm vụ, có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng.
Doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thuốc, thực phẩm chức năng già, xâm phạm quyền SHTT phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường.
Nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết thêm, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
“Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Thật trái ngang khi công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật”, bà Hà bày tỏ và cho rằng việc chống hàng giả, đặc biệt là chống nạn thuốc giả vẫn phải được ưu tiên hàng đầu.
“Chúng tôi mong muốn cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả. Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc”, bà Hà nhấn mạnh.