Một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL

Admin

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này không đủ sức vực dậy nền kinh tế của vùng vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP đều tăng trưởng âm...

Đây là thông tin được nhóm nghiên cứu đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1/8.

Báo cáo vừa công bố cũng là lần thứ 2 có một nghiên cứu được thực hiện đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước, với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp". Trong đó, ấn phẩm tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050.

Cùng với lễ công bố, thông điệp chính được đưa ra là ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

LẦN ĐẦU TIÊN ĐBSCL CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG ÂM TRONG 2 THẬP KỶ

Theo báo cáo, kinh tế ĐBSCL trong năm 2020-2021 có điểm sáng lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của vùng vẫn tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản vùng ĐBSCL đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế của vùng vì khu vực công nghiệp và dịch vụ cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của ĐBSCL đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là âm 0,8% và âm 1,8%.

Tại lễ công bố, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, đồng chủ biên và trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ĐBSCL chịu tác động nặng nề của dịch COVID -19 và là vùng duy nhất của cả nước có tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2021.

GRDP của vùng trong 2 năm vừa qua suy giảm nặng nề trong cả 4 lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đến thuế và trợ cấp từ thuế trong khi cơ cấu GRDP trong 3 năm từ năm 2019-2021 hầu như không thay đổi.

Năm 2021, Việt Nam có 9 địa phương có mức tăng trưởng âm thì riêng vùng ĐBSCL đã đóng góp tới 6 địa phương.

Một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

TS. Vũ Thành Tự Anh giới thiệu một số thông điệp chính của báo cáo. Ảnh: VGP

Còn theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, báo cáo năm nay đã chỉ ra, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng GRDP vùng giảm sâu, âm 0,43% trong năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của vùng.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua thì nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác và các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức đã chỉ ra, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: "Từ báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững".

ĐỨNG TRƯỚC THỬ THÁCH CỦA BA VÒNG XOÁY

Tại lễ công bố, nhóm nghiên cứu cho biết, về mặt kinh tế, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy.

Thứ nhất là "Vòng xoáy ngân sách" phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL.

Thứ 2 là "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ.

Cuối cùng là "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Trong đó, nút thắt xuyên suốt đã được chỉ ra cả ở báo cáo thường niên 2020 và 2022 là cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng. Các cơ chế này hiện nay thiếu hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, trong khi lực "ly tâm" ở liên kết vùng thì mạnh, còn lực "hướng tâm" lại đang rất yếu.

Một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Vòng xoáy đi xuống về kinh tế mà khu vực ĐBSCL phải đối mặt

.

Theo nhóm nghiên cứu, cần phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy về kinh tế, xã hội, môi trường thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững…

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL xuất hiện sẽ như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics.

Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

Đồng thời, để ĐBSCL phát triển, việc tháo gỡ các nút thắt là quan trọng, song cũng phải không ngừng tìm kiếm những động lực phát triển mới.

Đơn cử, trong hai năm 2020 và 2021, ngành năng lượng ở ĐBSCL nổi lên như một điểm sáng, tuy chiếm chưa tới 10% số dự án, song lại tiếp nhận tới hơn 60% tổng vốn FDI của toàn vùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, các địa phương cần phải "duy lý" với các kế hoạch và dự án phát triển năng lượng chứ không nên chạy theo thành tích thu hút FDI hay những hứa hẹn thiếu cơ sở về tăng ngân sách.

Cụ thể là nhiệt điện khí đang phải đối diện với nhiều rủi ro; điện mặt trời đang gặp phải sự thay đổi chính sách; còn điện sinh khối chưa có khung khổ chính sách phù hợp...

"Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và công bố vào tháng 6 vừa qua. Nhưng vấn đề hiện nay là các địa phương ĐBSCL hợp tác thế nào để tận dụng, nếu phát triển rời rạc, cuốn vào đua xuống đáy thì khó tận dụng được cơ hội bứt phá", ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.

Một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL - Ảnh 3.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố.

TỚI NĂM 2030, ĐBSCL CẦN ÍT NHẤT 57 TỶ USD CHO PHÁT TRIỂN

Dưới góc độ quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, báo cáo này được đưa ra đúng lúc chính quyền các tỉnh ở ĐBSCL đang bắt đầu thiết kế các quy hoạch cấp tỉnh, sau quy hoạch tổng thể vùng của Chính phủ vào tháng trước.

Trong đó, "các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu không thể giải quyết được riêng lẻ mà các địa phương phải cùng hành động", đại diện UNDP khuyến nghị.

Đại diện đối tác phát triển, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng.

Đại diện WB ước tính từ nay đến năm 2030, khu vực ĐBSCL cần ít nhất 57 tỷ USD để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết cho khu vực được xác định trong quy hoạch tổng thể.

Theo đó, với nhu cầu tài chính khổng lồ này, nguồn vốn công chỉ có thể đáp ứng được 21%, còn 79% sẽ phải đến từ các nguồn khác và tài chính tư nhân phải là nguồn đóng góp chính.

"VCCI cần phát huy vai trò trở thành cầu nối quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quan trọng và các tổ chức tư vấn, WB sẵn sàng tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn tài chính", bà Carolyn Turk nói.