Mở “đường lớn” cho xe điện phát triển

Admin

Thời của xe điện đang tới và Việt Nam không đứng ngoài lề trong cuộc cách mạng về giao thông xanh này. Cần sớm có chính sách thúc đẩy để không bị "chậm chân".

Sự bùng nổ thị trường xe điện tại Việt Nam

Cách đây vài năm, xe điện hóa còn một khái niệm xa lạ, thiếu sự an toàn với phần đông người dùng ôtô tại Việt Nam, nhưng giờ đây xe Hybrid và xe thuần điện đã trở nên quen thuộc và ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố của Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các địa phương khác trên cả nước. Người tiêu dùng giờ đây coi đã coi xe điện là một sự lựa chọn đáng cân nhắc khi quyết định sắm “4 bánh”

Sự thay đổi trong xu thế tiêu dùng đó cho thấy cuộc cách mạng về xe điện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam và tương lai của xe điện rõ ràng không chỉ còn là câu chuyện xa vời. Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp trong ngành ô tô, xe máy tại thị trường Việt Nam cũng đang mạnh dạn theo đuổi việc phát triển các dòng sản phẩm xe xanh, thân thiện với môi trường.

Từng hứng chịu không ít hoài nghi, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, VinFast đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc chế tạo và sản xuất xe điện ở Việt Nam. Chỉ sau 6 năm thành lập và chưa đầy 1 năm từ khi chính thức chuyển 100% từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang xe điện, VinFast đã giới thiệu hoàn chỉnh dải sản phẩm từ phân khúc minicar tới phân khúc E, phục vụ đủ nhu cầu ở tất cả phân khúc khách hàng.

Đến nay, hệ sinh thái xe điện của Vinfast đã khá toàn diện bao gồm: xe buýt điện, xe máy điện, xe đạp điện và toàn bộ dải sản phẩm ô tô điện, với 7 mẫu xe thuộc tất cả các phân khúc. Hình ảnh những chiếc xe điện mang thương hiệu Vinfast ngày càng đông đảo trên đường phố Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công của doanh nghiệp này khi bước vào sân chơi này.

Không chỉ VinFast, thị trường Việt Nam bắt đầu sôi động với sự góp mặt của các mẫu xe mới từ các hãng. Đa số các hãng xe trong nước đã mở bán nhiều mẫu xe hybrid như Honda có CR-V, Kia có Sorento, Hyundai có Santa Fe, BMW có XM, Yamaha có NEO’s, Toyota có Corolla Cross, Corolla Altis, Camry, Yaris Cross, Innova Cross & Alphard.

Không nằm ngoài cuộc chơi, trong năm 2023 các hãng xe sang như Audi, BMW, Mercedes-Benz cũng giới thiệu và mở bán tới khách hàng tại Việt Nam nhiều mẫu xe thuần điện mới như Audi e-tron, Mercedes-Benz EQB 250, EQE 500 4MATIC và EQS 500 4MATIC hay BMW I3, I4, I7...

Thậm chí, một số hãng xe có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng tìm cách quay trở lại thị trường Việt Nam bằng việc mở bán những mẫu xe điện, xe hybrid hoàn toàn mới. Đồng thời cũng đưa ra cam kết lộ trình phát triển lâu dài như đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam thông qua các đối tác chiến lược. Đơn cử, Công ty cổ phần Carvivu - Nhà phân phối độc quyền thương hiệu ôtô Haima tại Việt Nam ra mắt SUV thuần điện Haima 7X-E, Công ty GWM Thành An ra mắt SUV Haval H6 Hybird.

Và thực tế, các dòng xe Hybrid, xe thuần điện cũng đang rất được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Đơn cử như thương hiệu Toyota, phong giới thiệu xe Hybrid trong phân khúc xe phổ thông đến thị trường Việt Nam vào năm 2020 với mẫu xe Corolla Cross, đến nay, nhà sản xuất này đã có tổng cộng 6 mẫu xe có phiên bản Hybrid trải dài nhiều phân khúc. Đặc biệt, riêng trong năm 2023, hãng xe này đã giới thiệu liên tiếp 3 mẫu xe có phiên bản Hybrid.

“Năm 2023, doanh số các mẫu xe Hybrid của Toyota đạt 2.639 xe Hybrid, chiếm khoảng 12% tổng doanh số mẫu xe có phiên bản này. Tính hết năm 2023, tổng cộng hơn 8.600 xe Hybrid đã được bán ra thị trường.

Kết quả này cho thấy nhu cầu sử dụng xe Hybrid nói riêng và xe xanh nói chung đang có xu hướng tăng, trong đó, xe Hybrid đang được người tiêu dùng đón nhận và ngày càng phổ biến trên thị trường”, ông Đặng Minh Tuân – Trưởng Ban Kế hoạch sản phẩm, Truyền thông và Thương hiệu, Toyota Việt Nam chia sẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Mở “đường lớn” cho xe điện phát triển

Phát triển hệ thống các trạm sạc là một trong những yếu tố giúp khuyến khích người dùng chuyển đổi sang xe điện.

Đánh giá về sự triển vọng của thị trường này, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng việc phát triển các phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường là xu thế của thế giới, trong đó ô tô điện là một lĩnh vực rất sôi động. Quá trình chuyển đổi từ sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng điện đang là một trong những hướng đi quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của hiện tại và tương lai.

Theo ông Tuấn, đối với Việt Nam, việc phát triển các dòng xe điện đang có cơ hội rất lớn. Thứ nhất, đó là sự bám theo xu hướng chung của thế giới. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 và chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể trong đó có giao thông xanh, thân thiện với môi trường để hướng đến mục tiêu như đã cam kết.

Thứ ba, thị trường ô tô Việt Nam là một thị trường rất sôi động và tiềm năng. Hiện tỉ lệ sở hữu ô tô của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước khác. Do đó dư điện phát triển xe điện ở một quốc gia có dân số 100 triệu dân như Việt Nam là rất lớn.

Có chung niềm tin này, TS. Lê Anh Sơn - Giám đốc công ty CP PhenikaaX, Trưởng nhóm nghiên cứu dòng xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng hiện tại thị trường xe điện tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, thậm chí nhanh hơn so với việc phát triển về cơ sở hạ tầng, văn bản luật.

“Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để đẩy mạnh phát triển thị trường này nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, sự đồng thuận của xã hội về việc chuyển đổi từ các phương tiện truyền thống sang phương tiện sử dụng điện. Người dân quan tâm nhiều hơn đến các tính năng mới, giá cả, khả năng tăng tốc, các chi phí bảo dưỡng, mức độ an toàn, mức độ ảnh hưởng đến môi trường...”, chuyên gia này chia sẻ.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho xe điện

Trên thực tế, sự phát triển thị trường xe điện ở Việt Nam đang được cổ vũ bằng những chính sách cụ thể của Nhà nước. Ngay từ năm 2014, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.

Gần đây nhất để hướng tới lộ trình sử dụng 100% xe điện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đến năm 2050 mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Đặc biệt, để giảm chi phí sở hữu xe điện, khuyến khích sự phát triển của loại hình phương tiện này, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện giảm từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027...

Đặc biệt, sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô, tháng 8/2023, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, trong đó có nhiều quy định nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ mở “đường lớn”, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.

Hiện nay, Bộ GTVT cũng đang trong quá trình xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe ô tô không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm: xe thuần điện, xe Hybrid, xe Hybrid điện, xe chạy nhiên liệu Hydro, xe chạy nhiên liệu Hydro điện.

Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Anh Tuấn, những nỗ lực đó hiện nay vẫn đang là bước đầu và cơ chế, chính sách vẫn đang là vấn đề thách thức lớn đối với phát triển xe điện ở Việt Nam.

“Làm gì cũng vậy, chúng ta cần thay đổi cơ chế, không gian chính sách thì mới có thể thu hút đầu tư và khuyến khích sự phát triển được.

Trước hết, đó là hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với phương tiện xe điện. Rồi tiêu chuẩn về trạm sạc, về thu hồi, xử lý và tái chế pin sau khi quá thời hạn sử dụng như thế nào? Đặc biệt cần tính toán các cơ chế về ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng ví dụ như về thuế, phí, vay vốn, quỹ đất, ưu đãi đầu tư…. Có thể chúng ta chưa làm được ngay để làm bước đột phá nhưng chúng ra phải làm từng bước để chủ động tạo không gian phát triển cho loại phương tiện này”, GS.TS. Lê Anh Tuấn nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Mở “đường lớn” cho xe điện phát triển (Hình 2).

GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Từ góc nhìn của những người trực tiếp gia tham vào sự phát triển của xe điện, các doanh nghiệp, nhà xuất đều cho rằng nếu có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, khách hàng sẽ dễ tiếp cận hơn với dòng xe hybrid thân thiện với môi trường.

Đại diện Yamaha Việt Nam cho rằng Nhà nước có thể hỗ trợ để thị trường xe điện ngày càng rộng mở bằng những hành động cụ thể như: áp dụng các chính sách khuyến khích để giảm giá thành xe điện, đầu tư hạ tầng, mở rộng mạng lưới điểm sạc công cộng xe điện, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến xe điện, hỗ trợ việc đào tạo và giáo dục nguồn nhân lực chuyên về công nghệ và kỹ thuật xe điện,…

“Chúng tôi mong Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho xe Hybrid. Về dài hạn, với những loại xe thân thiện với môi trường khác, các doanh nghiệp có thể sẽ cần hỗ trợ về chính sách cũng như định hướng của Chính phủ trong việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”, đại diện Toyata Việt Nam chia sẻ.