Mắc bệnh "khó nói" vì ăn ít chất xơ

Admin

(NLĐO) – Căn bệnh "khó nói" xuất hiện ở những trường hợp có thói quen ăn uống không tốt (ăn ít chất xơ, rau quả), táo bón kinh niên, ít vận động,... và trung bình cứ 2 người sẽ có 1 người mắc.

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết bệnh trĩ xuất hiện do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết.

Mắc bệnh khó nói vì ăn ít chất xơ - Ảnh 1.

Viện Y dược học dân tộc TP HCM nghiệm thu kết quả chuyển giao phương pháp “Nội soi ống cứng can thiệp – tiêm xơ búi trĩ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Bệnh thường xảy ra ở người có thói quen ăn uống không tốt (ăn ít chất xơ, rau quả), bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại, mang thai, di truyền... Ban đầu, người bệnh chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn.

Mắc bệnh khó nói vì ăn ít chất xơ - Ảnh 2.

BSCK2 Nguyễn Tuấn Quyên, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Viện Y dược học dân tộc TP HCM đang tư vấn, hướng dẫn về cách tiêm búi trĩ cho nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An.

Theo bác sĩ Ngọc Lan, bệnh trĩ chia làm 3 loại gồm: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Những biểu hiện rõ rệt ở trĩ là chảy máu và sa búi trĩ. Chảy máu là triệu chứng có sớm và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện khi nhìn thấy máu ở giấy chùi vệ sinh hoặc thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.

Ăn gì để bệnh trĩ bớt "hành"?

Về sau mỗi khi táo bón, máu chảy thành giọt hoặc tia. Có khi máu chảy rất nhiều mỗi lần đi lại hay ngồi xổm. Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Ngoài 2 triệu chứng trên, bệnh nhân có thể đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Triệu chứng đau, rát xảy ra khi tình trạng bệnh nặng lên.

Căn bệnh "khó nói" gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Trước đây, điều trị trĩ thường phải phẫu thuật khiến người bệnh đau đớn kèm theo biến chứng, đặc biệt với bệnh nhân có thể trạng yếu hoặc phụ nữ mang thai, sau sinh.

Để giúp người bệnh hạn chế đau đớn, biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục, Viện Y dược học dân tộc TP đã nghiên cứu phương pháp tiêm xơ búi trĩ.

 "Phương pháp này không chỉ hiệu quả trong việc điều trị mà còn an toàn, giảm thiểu tối đa sự cần thiết của phẫu thuật. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp của những bệnh nhân không thể chịu đựng nỗi đau của phẫu thuật hoặc có các vấn đề sức khỏe khác cản trở việc phẫu thuật. Ngoài ra, phương pháp tiêm còn giúp bảo tồn cấu trúc và chức năng của vùng hậu môn, giữ nguyên vẹn tính thẩm mỹ và giảm khả năng tái phát của bệnh" – bác sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh.

GS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Trung ương Hội hậu môn trực tràng học Việt Nam, cho biết trong y học cổ truyền xem trĩ là tất cả những bệnh ở vùng hậu môn. Tại Việt Nam, trung bình cứ 2 người sẽ có 1 người mắc bệnh trĩ.

Với phương pháp tiêm xơ búi trí do Viện Y dược học dân tộc TP HCM nghiên cứu, đã mở ra hướng đi mới trong điều trị. Điểm đặc biệt của phương pháp này là khả năng áp dụng cho mọi độ trĩ, từ nhẹ đến nặng và cả những trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả.

Theo BSCKII Nguyễn Tuấn Quyên, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Viện Y dược học dân tộc TP HCM, với phương pháp điều trị tiêm xơ búi trĩ, viện đã chuyển giao, đào tạo cho 4.800 bác sĩ tại 96 cơ sở y tế trên cả nước. Bên cạnh đó, có gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học chuyên về bệnh trĩ và sử dụng hiệu quả bằng thuốc điều trị. Đến nay, tại viện đã có hơn 510.000 lượt người bệnh được điều trị bằng các phương pháp không cần phẫu thuật.