Nhằm hoàn thiện chính sách về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 4-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, và Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đồng chủ trì, cùng sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN), các DN.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Duẩn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, Luật Đất đai năm 2013 đã dần bộc lộ những vướng mắc, bất cập khi đời sống thay đổi một cách nhanh chóng. Cụ thể, thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh; quy định, trình tự thủ tục của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa thống nhất với nhau, tạo ra nhiều điểm nghẽn trong thực tế; khối lượng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn, mức độ thay đổi của văn bản rất nhanh, chất lượng của các văn bản hướng dẫn và chất lượng thực thi pháp luật về đất đai trên thực tế vẫn là câu hỏi lớn. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Theo ông Công, qua phản ánh từ thực tiễn kinh doanh, ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, cho thấy thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Cụ thể, theo kết quả khảo sát PCI hàng năm của VCCI với hơn 12.000 DN trong nước và FDI trên 63 tỉnh, thành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện vẫn là một trong những nhóm thủ tục mà DN gặp khó khăn nhiều nhất.
"Sự phức tạp của các thủ tục hành chính về đất đai là một cản trở để DN tiếp cận đất đai, bên cạnh các nguyên nhân khác như quy hoạch đất đai của địa phương chưa phù hợp, giá đất cao tăng nhanh… 53,8% DN qua điều tra năm 2021 cho biết những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh"- Chủ tịch VCCI nói.
CLIP: Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Phải xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng tạo được sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bộ TN-MT sẽ tổ chức 4 hội thảo nhằm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý sâu sắc từ các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 năm 2022 theo kế hoạch.
Theo Bộ trưởng TN-MT, hiện nay các DN đang hết sức khó khăn, mệt mỏi về vấn đề đất đai. Do đó, các góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, tìm được giải pháp tốt nhất nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.
"Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng sửa Bộ luật này để làm gì? Để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai. Tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi) là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không đảm bảo lợi ích cho nhà nước, không giải quyết được công bẳng cho các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Luật phải ích nước, lợi nhà, đảm bảo tính ổn định, bền vững. Ban soạn thảo luôn luôn lắng nghe, không có hạn chế nào trong góp ý. Khi đã lắng nghe nhau thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.