Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) vừa công bố báo cáo tài chính với kết quả khả quan. Theo đó, doanh thu quý II của Sasco đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 84 tỷ đồng.
Nhiều hãng hàng không có lãi trong khi một số lại lỗ đậm trong quý II/20220. (Ảnh: TTXVN)
Trong phần giải trình, Sasco cho biết kết quả kinh doanh hồi phục nhanh nhờ số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế tăng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội nên chịu lỗ hơn 14 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, công ty thu 427 tỷ đồng, hoàn thành gần 32% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng và vượt 5% so với kế hoạch.
Năm 2022, Sasco đặt mục tiêu doanh thu 1.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 82 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, tổng tài sản của Sasco tính đến cuối tháng 6 đạt 1.750 tỷ đồng và nợ phải trả gần 250 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong ngành hàng không có kết quả kinh doanh tăng vọt là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV). Trong báo cáo vừa công bố, ACV lãi sau thuế hơn 2.598 tỷ đồng, tăng 668,9% so với cùng kỳ năm 2021, kỷ lục từ khi niêm yết năm 2016.
Doanh thu thuần trong quý của ACV đạt hơn 3.429 tỷ đồng, tăng 125%. Lãi gộp nhảy vọt lên hơn 1.622 tỷ đồng, gấp 62 lần so với cùng kỳ 2021. Trong quý này, doanh thu tài chính của ACV đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 106%. Phần lớn trong đó là lãi từ chênh lệch tỷ giá, đạt gần 1.500 tỷ đồng.
ACV tích cực cắt giảm chi phí trong kỳ này với việc giảm chi phí tài chính 76%, giảm chi phí lãi vay 21%, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 27%. Nhưng ngược lại, chi phí bán hàng tăng 111%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.538 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 3.473 tỷ đồng.
Tại thời điểm lập báo cáo, tổng tài sản của ACV ở mức 55.882 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 900 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền gửi ngân hàng của ACV giảm gần ở mức hơn 31.400 tỷ đồng.
Hiện ACV gánh khoản nợ hơn 15.241 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so hồi đầu năm. Nợ dài hạn hơn 11.764 tỷ đồng. Chi phí lãi vay từ đầu năm là 37,8 tỷ đồng.
ACV là doanh nghiệp được giao khai thác, quản lý loạt tài sản quan trọng, trong đó có 22 sân bay trên phạm vi cả nước. Hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 sân bay do nhà nước đầu tư có giá trị khoảng 8.550 tỷ đồng, bao gồm hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống hỗ trợ hạ cánh... Ngoài ra, ACV cũng quản lý số lượng vật tư, thiết bị dự phòng trị giá hàng nghìn tỷ đồng và hệ thống khí tượng có giá trị nhiều tỷ đồng.
Vietjet cũng cho biết trong quý II vừa qua, doanh thu hợp nhất đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi COVID chưa bùng phát. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 181 tỷ đồng, thấp hơn quý đầu năm nhưng cao gấp 40 lần cùng kỳ 2021.
Vietjet đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với quý II/2021. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 11.000 tấn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 16.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 426 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, NSC là những doanh nghiệp báo lỗ đậm. Theo đó, báo cáo tài chính mới nhất của Vietnam Airlines cho thấy, quý II, công ty mẹ của Vietnam Airlines lỗ 2.243 tỷ đồng. Mức lỗ hợp nhất ở mức 2.568 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu 2022, công ty mẹ Vietnam Airlines lỗ 4.685 tỷ đồng, lỗ hợp nhất là 5.254 tỷ đồng. Tính đến 30/6, khoản lỗ luỹ kế của hãng bay này khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ so với thời điểm hết quý I.
Dù so với cùng kỳ, Vietnam Airlines giảm lỗ gần một nửa nhưng giá nhiên liệu tăng mạnh cộng thị trường hàng không quốc tế ảm đạm khiến hãng hàng không quốc gia được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tương tự Vietnam Airlines, hãng bay Bamboo Airways cũng đang gặp khó. Báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC cho thấy, FLC Group đang nắm giữ trực tiếp 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways, với khoản đầu tư lên đến hơn 4.015 tỷ đồng. Đến cuối quý II, Tập đoàn FLC ghi nhận khoản lỗ từ Bamboo Airways số tiền gần 955 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 454 tỷ đồng trong nửa năm vừa qua.
Không chỉ gặp khó trong hoạt động kinh doanh, nhân sự cấp cao của Bamboo Airways cũng có nhiều xáo trộn. Bamboo Airways đã bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Tổng Giám đốc, thay ông Đặng Tất Thắng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) vẫn chưa thể dứt mạch thua lỗ, dù thị trường hàng không đã dần khởi sắc. Báo cáo cho thấy, trong quý II, doanh thu của NCS gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái, lên gần 85 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng và công ty cũng đẩy mạnh mảng non-airlines.
Tuy nhiên, do các chi phí như bán hàng, quản lý, lãi vay vẫn ở mức cao khiến công ty chuyên cung cấp suất ăn hàng không này vẫn lỗ 6 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của NCS từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020.
Đồng thời, theo ban lãnh đạo NCS, khó khăn với doanh nghiệp là những tháng đầu năm, số khách trên các chuyến bay quốc tế như ANA, Japan Airlines, Asiana Airlines... chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Đồng thời, Emirates chưa khai thác đường bay thẳng đến Hà Nội như kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của NCS khoảng 145 tỷ thì thu từ Vietnam Airlines vẫn chiếm phần lớn với hơn 96 tỷ đồng.
Luỹ kế nửa đầu năm, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines lỗ 43,6 tỷ đồng. Tính đến 30/6, NCS ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 115 tỷ đồng.