Liên danh T&T và Orsted đầu tư điện gió ngoài khơi tại Thái Bình

Admin

Thái Bình sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted triển khai điện gió và dự án điện gió ngoài khơi.

Thái Bình có tiềm năng phát triển điện gió

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted về một số vấn đề liên quan đến triển khai điện gió và dự án điện gió ngoài khơi tại Thái Bình , ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế như hệ thống giao thông thuận lợi, có ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển với tổng số 54km bờ biển, diện tích mặt biển do tỉnh quản lý là trên 3.600km2 nên rất có tiềm năng để phát triển điện gió.

Ông Carsten Baltzer Rode - Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, từ năm 2013, chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch đã được ký kết nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và bền vững ngành năng lượng. Đối với Orsted, đây là tập đoàn điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi tại rất nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Đài Loan; có nguyên tắc chủ đạo đó là trở thành đối tác đóng góp tích cực tại cộng đồng mà công ty hoạt động. Đối với Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted, hiện Liên danh đang đồng triển khai phát triển danh mục các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 20GW được phân kỳ thành nhiều giai đoạn tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Việt Nam.

Tại tỉnh Thái Bình, dự án điện gió ngoài khơi được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 1.000MW, tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD, sản xuất và phát vào lưới điện 3,5 tỷ kWh/năm, dự kiến năm 2030 sẽ đưa vào sử dụng. Khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho Thái Bình không chỉ về sản lượng điện năng lượng tái tạo, giúp đáp ứng yêu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao mà còn mang lại nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Hiện tại, dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung đưa vào danh mục các dự án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII).

Đại diện Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm, ủng hộ để Bộ TNMT sớm ban hành văn bản chấp thuận công tác đo đạc quan trắc đánh giá tài nguyên biển, từ đó giúp liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted có thể triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Tạo mọi điều kiện cho Liên danh nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển

Cũng tại buổi làm việc, ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là cơ hội lớn đối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Thái Bình sẽ ủng hộ để liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted có thể nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn.

Liên danh T&T và Orsted đầu tư điện gió ngoài khơi tại Thái Bình - Ảnh 1.

Tại tỉnh Thái Bình, dự án điện gió ngoài khơi được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 1.000MW

Với mong muốn chào đón các nhà đầu tư có tiềm lực và có uy tín đầu tư vào dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, với những vấn đề thuộc thẩm quyền như: đặt trụ sở trung tâm điều hành, tạo hành lang để thiết lập hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả đường dây truyền tải..., tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted . Đồng thời yêu cầu phải có sự trao đổi thường xuyên giữa liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để theo kịp tiến trình và cụ thể hóa được dự án trong thời gian tới.

Trước đó, năm 2014, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tổ chức lắp dựng cột đo gió có độ cao 60m tại cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải). Kết quả đo gió từ tháng 7/2014 đến tháng 9/2015 thể hiện: ở độ cao 60m, tần suất xuất hiện dải tốc độ gió từ 4 - 7m/s chiếm 53,8% thời gian. Theo tính toán của các chuyên gia, đây là dải tốc độ gió mà các loại tuabin gió bắt đầu phát điện đến công suất phát bằng 1/3 công suất định mức. Tần suất xuất hiện dải tốc độ gió từ 8 - 13m/s chiếm khoảng 31,1% đáp ứng tuabin gió phát điện từ 1/3 công suất đến công suất định mức. Những đặc điểm này khẳng định, Thái Bình là nơi thuận lợi cho việc bố trí cánh đồng tuabin điện gió ở khu vực ven biển. Về lý thuyết, tiềm năng điện gió của tỉnh có thể đạt công suất 850MW, sản lượng điện đạt gần 2,9 triệu MWh/năm.

Ngày 25/4/2016, Bộ Công Thương có Quyết định số 1596/QĐ-BCT về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030”. Theo đó, Bộ Công Thương đồng ý cho tỉnh thực hiện dự án điện gió Tiền Hải với tổng diện tích khu vực quy hoạch ở các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú khoảng 1.280ha, tổng công suất lắp đặt điện gió dự kiến là 70MW. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 với công suất 40MW và giai đoạn 2 với công suất 30MW. Đây là cơ sở quan trọng để Thái Bình phát huy tiềm năng điện gió.

 ,