Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, có 2 hãng hàng không nội địa khai thác các chuyến bay từ đất liền ra Côn Đảo là Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Trong đó tần suất của Vietnam Airlines từ 12-14 chuyến/ngày, Bamboo khai thác khoảng từ 4-7 chuyến/ngày. Sân bay Côn Đảo dự kiến sẽ được Cục Hàng không Việt Nam tạm đóng cửa để nâng cấp, mở rộng từ tháng 4/2023, dự kiến hoàn thành mở lại sân bay vào tháng 12/2023.
Liên quan đến việc hỗ trợ địa phương giải pháp vận chuyển thay thế phù hợp trong thời gian đóng cửa chờ nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, hiện nay có 2 phương thức vận tải giúp kết nối từ đất liền tới huyện Côn Đảo là đường biển và đường hàng không.
Trong thời gian bắt buộc phải đóng cửa sân bay Côn Đảo để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, sẽ ảnh hưởng phần nào tới nhu cầu vận tải của người dân. Bởi thế, việc nghiên cứu, tăng cường các phương tiện vận tải bằng đường biển, các chuyến bay trực thăng để khắc phục trong thời gian này là rất cần thiết.
Lãnh đạo Bộ khẳng định, hiện nay có 4 tuyến vận tải hành khách từ đất liền ra Côn Đảo với 3 doanh nghiệp đăng ký vận tải tuyến cố định đã được chấp thuận. Tại huyện Côn Đảo, chỉ có duy nhất cảng cá Bến Đầm tiếp nhận tàu khách cho 4 tuyến vận tải thủy ra Côn Đảo nêu trên.
Từ tháng 3/2022, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, vận tải hành khách đường biển ra đảo được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, Ban Quản lý cảng Bến Đầm vẫn hạn chế số lượt tàu vào/rời cảng (2 chuyến/ngày) theo chỉ đạo của UBND huyện Côn Đảo.
Theo số liệu thống kê của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến ra Côn Đảo, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải đã vượt xa tổng số lượt hành khách của cả năm 2021.
Tuy nhiên, huyện Côn Đảo hiện nay vẫn đang hạn chế tiếp nhận tàu khách ra đảo. Trong giai đoạn đóng cửa sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách để bảo đảm an toàn trong hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển tới đảo.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo phối hợp, tăng cường tiếp nhận tàu khách ra đảo để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của người dân và khách du lịch.
Đáng chú ý, theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay các chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo đang được khai thác bởi Công ty Trực thăng miền Nam thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (phiên hiệu quân sự Binh đoàn 18).
"Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 18 nghiên cứu phương án khai thác các chuyến bay trực thăng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ xây dựng phương án tổ chức quản lý thực hiện các dự án bảo đảm hạn chế tối đa thời gian tạm ngừng khai thác sân bay Côn Đảo, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương, sớm đưa vào khai thác, ổn định hoạt động vận tải đi/đến huyện Côn Đảo", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Côn Đảo được quy hoạch xây dựng mở rộng, nâng cấp đường cất hạ cánh với kích thước 1.830m x 45m; quy hoạch sân đỗ tàu bay mới bảo đảm khai thác 8 vị trí đỗ cho tàu bay code C và tương đương; quy hoạch xây dựng nhà ga hành khách mới phía Đông Nam nhà ga hiện hữu, đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không Côn Đảo; trong đó dự kiến bố trí khoảng 1.590 tỷ đồng để thực hiện đầu tư từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao.
"Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam được giao là Chủ đầu tư dự án đang triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định. Đối với các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, đường giao thông nội cảng; công trình cấp, thoát nước; công trình chiếu sáng…), theo quy định hiện hành, trách nhiệm đầu tư là của doanh nghiệp cảng hàng không Côn Đảo - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ACV rà soát, cân đối nguồn vốn để thực hiện đầu tư các công trình thiết yếu tại sân bay Côn Đảo (nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ) nhằm đưa vào vận hành, khai thác đồng thời với các công trình kết cấu hạ tầng đang triển khai.