Làm sao ngăn bán hàng online né thuế?

Admin

Ngành thuế đang thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh để siết thu thuế các đối tượng hoạt động thương mại điện tử (TMÐT). Trong khi đó, người bán hàng online tìm cách đối phó.

Làm sao ngăn bán hàng online né thuế? - Ảnh 1.

Cơ quan thuế sẽ phối hợp với đơn vị giao hàng rà soát người bán hàng online để thu thuế. Ảnh minh họa


Với biện pháp mạnh của ngành thuế nhằm tránh thất thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), chủ shop (cửa hàng) online lo ngay ngáy. Chị Lê Hương Thu (bán đồ gia dụng trên nhiều trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee…) cho biết, từ cuối tháng 7, nhiều chủ shop phàn nàn về việc bị cơ quan thuế rà soát truy thu. "Cơ quan thuế đang rà soát nên có shop đã bị truy thu, có shop chưa truy thu. Bán hàng online cạnh tranh giá rẻ là chính. Chúng tôi lo ngay ngáy, khi nào ngành thuế gọi tên thì phải tìm cách xử lý. Nếu bị rà soát nộp thuế, shop phải nâng giá bán hàng hóa để bù vào phần thuế phải nộp", chị Thu nói.

Một trong những cách shop online né thuế là yêu cầu khách hàng chuyển khoản tiền mua hàng thay vì ship COD (giao hàng thu hộ tiền) như trước kia. Anh Lê Tiến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi đặt mua đôi giày chạy bộ ở shop online Facebook đã nhận được yêu cầu chuyển khoản tiền mặt, chỉ ghi tên tài khoản Facebook. "Chủ shop dặn tôi không ghi mua bán, chỉ cần ghi tên tài khoản cá nhân Facebook và tên, cỡ của đôi giày. Shop cũng không nhận ship COD như trước kia", anh Tiến cho biết.

Chị Lê Phượng (chuyên bán thực phẩm, mỹ phẩm xách tay trên mạng xã hội Facebook) nói rằng, từ khi ngành thuế siết chặt truy thu thuế với người kinh doanh TMĐT, chị không sử dụng hình thức ship COD như trước kia. Do chuyên bán dược mỹ phẩm, sữa nhập ngoại với giá trị cao, nếu ship COD, ngành thuế rà soát và thu thuế, chị gần như không còn lãi.

"Trị giá hàng hóa cao trong khi quy định doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng phải nộp thuế chưa phù hợp. Ví dụ, một lọ thực phẩm chức năng giá khoảng trên 500 nghìn đồng, một hộp sữa cũng 600-700 nghìn đồng. Cơ quan chức năng nên tăng mức doanh thu chịu thuế cho phù hợp", chị Phượng kiến nghị.

Theo thống kê, hoạt động TMĐT ở Việt Nam sau dịch bệnh đang bùng nổ với doanh số khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021 và có thể tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Cần áp dụng công nghệ cao thu thuếTMÐT

Để siết chặt thu thuế với hoạt động TMĐT, thời gian qua, ngành thuế đưa ra nhiều giải pháp như: phối hợp ngân hàng truy vết dòng tiền của cá nhân bán hàng online, rà soát với đơn vị giao hàng… Cục Thuế TPHCM phối hợp một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đề nghị cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Apple, Netflix…). Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 4 ngân hàng thương mại cung cấp cho Cục Thuế TPHCM thông tin những cá nhân đã nhận tổng số tiền từ nước ngoài hơn 51,2 triệu USD và 21,4 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý 38 cá nhân có thu nhập từ Google, với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp 169 tỷ đồng; xử lý 3 doanh nghiệp (DN) với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 327 triệu đồng.

"Cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra các DN là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT về thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong đó, kết hợp rà soát kiểm tra chế độ cung cấp dữ liệu các tổ chức, cá nhân bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trên các sàn do DN sở hữu cho cơ quan thuế", ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết.

Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMÐT (trong đó có 41 sàn TMÐT bán hàng, 98 sàn TMÐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, sau 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, có 26 đơn vị lớn (Microsoft, Facebook, Netfix, Samsung, TikTok, eBay...) kê khai thuế và nộp khoảng 20 triệu USD tiền thuế.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất. Ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

"Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. "Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra", ông Trường nhận định.