Làm mới các sản phẩm để thu hút khách du lịch

Admin

Việc nỗ lực nâng chất lượng sản phẩm, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách để tăng trải nghiệm… chính là một trong những mục tiêu ngành du lịch các địa phương hướng tới.

Làm mới loại hình du lịch tâm linh - hoài niệm

Trong 7 tháng năm 2022, khách lưu trú ở Quảng Trị đạt gần 315.000 lượt, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tháng 7, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều chương trình tri ân các Anh hùng Liệt sỹ như: Màu hoa đỏ, Khát vọng hòa bình, Thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ cấp Quốc gia… thu hút gần 70.000 lượt khách lưu trú, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng (trong đó có 4 di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972), Quảng Trị như một bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam - nơi ghi dấu ấn đau thương và hào hùng, khát vọng cháy bỏng về hòa bình và thống nhất non sông.

Địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có 72 nghĩa trang liệt sỹ - nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ từ các tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Do đó, du lịch tâm linh - hoài niệm về chiến trường xưa là loại hình du lịch đặc trưng riêng được Quảng Trị đã và đang phát huy. Từ tháng 7/2022, tỉnh đã làm mới loại hình du lịch tâm linh - hoài niệm để thu hút du khách thông qua việc tổ chức tour du lịch về đêm tại các điểm đến như: Thành cổ Quảng Trị, Bến thả hoa sông Thạch Hãn, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Đến với Thành cổ Quảng Trị vào ban đêm, ngoài hoạt động viếng và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, du khách còn được tìm hiểu về khúc tráng ca bất tử 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Hiện Thành cổ đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tại Tượng đài trung tâm, khu vực Nam Môn, Bắc Môn, Lao Xá, Bia chiến tích sinh viên và các tượng điêu khắc nghệ thuật. Qua đó vừa tạo thêm sự linh thiêng vừa tạo thuận lợi cho du khách tham quan về đêm.

Trở lại thăm chiến trường xưa, cựu chiến binh Phạm Hồng Cam (73 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa) tự tay thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn, tưởng nhớ đồng đội giữa màn đêm và bồi hồi xúc động chia sẻ: Thạch Hãn - dòng sông mang nặng ân tình với những chuyến đò dọc ngang tiếp lương, tải đạn; ôm ấp chở che, chứng kiến sự ra đi và nằm lại của những người con trung kiên của Tổ quốc. Dòng Thạch Hãn đã ghi tạc chiến tích hào hùng, huyền thoại 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tour du lịch về đêm tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cũng thu hút nhiều du khách. Nơi đây về đêm trở nên lung linh huyền ảo bởi hệ thống chiếu sáng nghệ thuật đã được lắp đặt tại cầu Hiền Lương, Kỳ đài Hiền Lương, Tượng chiến sỹ Công an bảo vệ giới tuyến, Nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất", Nhà liên hợp. Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, phục vụ người dân và du khách đến thăm, viếng về đêm.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn, tổ chức các tour du lịch tâm linh về đêm tạo điểm đến độc đáo riêng thu hút du khách ở lại địa phương; đồng thời khai thác tốt hơn các giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Trong khi đó du lịch biển, đảo ở Quảng Trị hút khách trở lại. Cụ thể, sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, du lịch biển đảo Quảng Trị đã và đang thu hút lượng lớn du khách trở lại, đặc biệt là tam giác du lịch: Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ.

Đảo Cồn Cỏ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hiện nay. Từ tháng 4 đến nay, các chuyến tàu cao tốc chở du khách từ đất liền ra đảo luôn kín chỗ. Chị Phan Thị Hương (37 tuổi, đến từ Hà Nội) chia sẻ, đến với đảo Cồn Cỏ, du khách được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch như tâm linh, tắm biển, lặn biển ngắm san hô, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh, thưởng thức hải sản tươi ngon.... Đặc biệt, ở đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ; là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm về chốn thanh bình, gần gũi với thiên nhiên.

Năm 2022, huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu đón 8.000 lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng điểm đến du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ môi trường, đầu tư hạ tầng, phát triển thêm sản phẩm du lịch để tăng trải nghiệm và sức hấp dẫn với du khách.

Các bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt cũng thu hút đông khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Hai bãi tắm này nổi tiếng bởi có bãi cát trắng mịn và sạch trải dài bên rừng phi lao xanh tạo cho du khách cảm giác yên bình, thư thái. Đại diện Khu nghỉ dưỡng Sepon Resort ở Cửa Việt cho biết: Mùa du lịch biển năm nay, du khách luôn đặt kín phòng. Để đáp ứng lượng khách tăng cao, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, mở rộng không gian phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ và ẩm thực để phục vụ du khách được tốt nhất.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, trong giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh trích ngân sách 72,5 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hạ tầng tại các khu du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực, xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023, du lịch là một trong những lĩnh vực được Quảng Trị ưu tiên. Theo đó, địa phương đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm đến; tăng cường truyền thông xúc tiến quảng bá, liên kết và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khôi phục và mở cửa hoạt động du lịch với thông điệp “Người Quảng Trị đi du lịch Quảng Trị”, “Du lịch Quảng Trị an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Bên cạnh hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình” với điểm đến các di tích nổi tiếng như: Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh tiếp tục hoàn thiện tour du lịch đảo Cồn Cỏ.

Liên kết, tạo chuỗi giá trị

Ngay trong tháng 8 này, một số doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn Tp.HCM đã giới thiệu các sản phẩm mới đến du khách. Điển hình như tour du lịch 1 ngày mang tên “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” do Công ty TSTtourist thiết kế. Theo lộ trình tour, khách được ăn sáng tại Nhà hàng Con Gà Mái (181 Quang Trung, quận Gò Vấp), sau đó bắt đầu hành trình tham quan và trải nghiệm Phù Châu cổ miếu - ngôi cổ miếu có tuổi đời 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật; đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến nay; tham quan giáo đường Hạnh Thông Tây; tham quan sân golf Tân Sơn Nhất và trải nghiệm tập golf cùng huấn luyện viên chuyên nghiệp…

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết, thời gian qua, DN đã không ngừng nỗ lực làm nổi bật sản phẩm du lịch Tp.HCM. Cụ thể, DN đã xây dựng, thiết kế chùm sản phẩm “Tôi yêu Sài Gòn”, trong đó có tour “Rong ca Sài Gòn chiều thứ bảy”, tour “Biệt động Sài Gòn” và “Sài Gòn di sản ngàn năm” được khách hàng phản hồi tích cực. Trước đây, định hướng của Saigontourist (khi giới thiệu các sản phẩm này) là nhằm thu hút khách quốc tế và mở rộng thời gian lưu trú của khách khi đến Tp.HCM để gia tăng chi phí, chi tiêu; nhưng nay cũng thu hút khách trong nước. Hiện nay, chùm tour được Saigontourist khai thác rất tốt, được lượng khách từ các tỉnh, thành và ngay ở Tp.HCM hưởng ứng tích cực.

Song song với các sản phẩm du lịch ban ngày, nhóm sản phẩm đêm cũng đang được nhiều DN, các quận, huyện đầu tư làm mới. Ví dụ, tại rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài trekking ban ngày, khách có thể tìm hiểu các hoạt động ban đêm như đi mò cua, bắt ốc cùng những người dân canh gác rừng phòng hộ; tổ chức cắm trại, đốt lửa trại đêm ngoài trời tại Khu du lịch Vàm Sát, điểm du lịch sinh thái Dần Xây, điểm du lịch đảo Thiềng Liềng… Tương tự, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) vừa thông tin sẽ phối hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng kịch bản chương trình phục vụ du khách ban đêm tại khu tái hiện vùng giải phóng với chủ đề “Trăng chiến khu”…

Tp.HCM đã liên tiếp có các chuỗi sản phẩm du lịch làm bật dậy một Tp.HCM sống động, với nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng, Vietravel đã có nhiều bộ sản phẩm liên quan về Tp.HCM. Cụ thể, với du lịch Cần Giờ, DN có 3 bộ sản phẩm giới thiệu “lá phổi” xanh của thành phố; tiếp theo là sản phẩm du lịch Tp.Thủ Đức; kế đến là sản phẩm du lịch quận 5 và sản phẩm nội đô (quận 1). Tính chung, Vietravel đang có 10 bộ sản phẩm riêng về Tp.HCM. “Với những sản phẩm sẵn có, chúng tôi tự tin giới thiệu đến bạn bè quốc tế, kiều bào Việt Nam khi đến Tp.HCM tham quan, trải nghiệm những nét đặc sắc riêng. Điểm nhấn bao gồm văn hóa lịch sử, ẩm thực, vẻ đẹp hiện đại của một thành phố trẻ năng động”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhấn mạnh.

Vừa qua, Sở Du lịch Tp.HCM đã công bố và cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng di động; đồng thời triển khai chương trình du lịch mẫu gắn kết các tài nguyên, tập trung phối hợp với TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện, DN lữ hành khảo sát, xây dựng, làm mới sản phẩm. Ví dụ, quận Tân Phú nổi bật với tour “Tân Phú, đi là nhớ”, quận 5 có tour “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, quận 3 triển khai phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa, quận 6 khai thác hoạt động phố đi bộ kết hợp ẩm thực chợ Bình Tây… Ngoài ra, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển “Du lịch nông nghiệp, sinh thái” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM; thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch y tế…

Ở thời điểm này, nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM đã từng bước tiền trạm, khảo sát các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, đánh giá, muốn có một sản phẩm hoàn thiện cần rất nhiều bước; và không chờ đợi sản phẩm như ý mới giới thiệu, mà trong lúc giới thiệu đến khách vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh sự chủ động của các quận, huyện, DN du lịch, thì Sở Du lịch cũng chủ trì để ra mắt sản phẩm mới. Ví dụ như tour “Huyền bí đêm Tp.HCM” dự tính khai thác cung đường địa đạo ở Hội trường Thống Nhất, cung đường hầm ở Bảo tàng Mỹ thuật và Khu di tích nhà giam Chợ Quán… “Càng tìm hiểu, càng thấy du lịch Tp.HCM còn nhiều tiềm năng. Nhiệm vụ của ngành du lịch, DN lữ hành, điểm tham quan… là truyền tải, tạo sức hút về điểm đến của thành phố”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề

Ngày 2/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù....

Tuệ Minh (tổng hợp)