“Kết luận thanh tra sẽ không khách quan nếu thủ trưởng cơ quan có sự lệch lạc”

Admin

Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng cần quy định rõ biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước... đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

Chống tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra

Cho ý kiến về dự án Luật thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7/9, ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù dự thảo Luật quy định vị trí, vai trò của người đứng đầu các cơ quan thanh tra trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp, xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Tiêu điểm - “Kết luận thanh tra sẽ không khách quan nếu thủ trưởng cơ quan có sự lệch lạc”

ĐBQH Lê Hữu Trí đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý.

“Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý Nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc”, ông Trí nêu.

Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, ông Trí đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra nếu trong trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận nhằm bảo đảm các quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 9 được thực hiện nghiêm túc.

Tránh chồng chéo trong kết luận thanh tra

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra hàng năm như Luật hiện hành.

Lý giải về điều này, đại biểu Thúy cho hay, Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày vào ngày 15/12 hàng năm vì nội dung đối tượng thanh tra chuyên ngành của Sở thường là cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ thường không sử dụng phần quản lý văn bản nên khi tục tổng hợp thành 1 kế hoạch thanh tra của tỉnh sẽ rất nhiều nội dung đối tượng nên sẽ gây khó khăn khi thực hiện quy định gửi kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra hàng năm để thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện của thủ trưởng cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã.

Về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra, đại biểu Thúy đề nghị cần bổ sung quy định khi có chồng chéo, trùng lắp thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra chủ trì chỉ thành lập một đoàn thanh tra.

Tiêu điểm - “Kết luận thanh tra sẽ không khách quan nếu thủ trưởng cơ quan có sự lệch lạc” (Hình 2).

ĐBQH Ma Thị Thúy cho rằng quy định thời hạn 5 ngày làm việc để đối tượng thanh tra xây dựng báo cáo là quá ngắn.

Đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh bổ sung nội dung cộng tác viên thanh tra vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp không có thanh tra viên nào đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ nhất định mà nhiệm vụ thanh tra đặt ra, cơ quan thanh tra tiến hành trưng tập cộng tác viên thanh tra tham gia Đoàn thanh tra để sẽ bổ sung, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực nhất định. Điều này góp phần đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.

Về xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, đại biểu Thúy đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định theo hướng tăng thời gian hoặc quy định thời gian tối thiểu để đối tượng thanh tra có thời gian chuẩn bị xây dựng, hoàn thiện báo cáo phục vụ tốt hoạt động của đoàn thanh tra.

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định thời hạn 5 ngày làm việc để đối tượng thanh tra xây dựng báo cáo là quá ngắn. Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, đại biểu đề nghị Quốc hội mà Ban soạn thảo cũng xem xét về sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Theo đại biểu Thúy, đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người ra quyết định thanh tra, người được giao thẩm định muốn có đủ cơ sở pháp lý đủ căn cứ thẩm định thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh.

“Về bản chất, việc thẩm định này cũng giống như cuộc thanh tra. Như vậy, cuộc thanh tra đó sẽ tiến hành 2 lần không đảm bảo nguyên tắc, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng. Việc thẩm định sẽ phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra”, đại biểu Thúy nói.