Ông Phạm Thanh Hải cho biết hàng hóa Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường Nam Phi và qua Nam Phi thâm nhập khu vực, đồng thời hai bên còn nhiều cơ hội hợp tác làm ăn trên nhiều lĩnh vực.
Tính đến nay, Nam Phi là quốc gia châu Phi giữ vị trí cao nhất về kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam hàng năm với con số trên 1,3 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi trên 800 triệu USD và nhập khẩu gần 500 triệu USD.
Nam Phi là đất nước phát triển bậc nhất tại châu Phi, trước là thuộc địa của Hà Lan và sau đó là Anh nên cấu trúc thị trường Nam Phi có nhiều nét tương đồng với các nước châu Âu về nhu cầu và tiêu chuẩn hàng hóa.
Trên góc độ giao thương, ông Phạm Thanh Hải cho biết hiện có 3 lĩnh vực còn rất nhiều triển vọng giữa hai nước.
Đầu tiên là về mặt hàng trái cây. Nam Phi là nước có nền nông nghiệp phát triển, cũng là quốc gia xuất khẩu trái cây tươi đi các nước với giá tương đối rẻ và chất lượng tốt, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Trái cây Nam Phi chủ yếu là trái cây ôn đới trong khi Việt Nam mạnh về các loại trái cây nhiệt đới nên hai thị trường có tính chất bổ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Thanh Hải để các sản phẩm trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Nam Phi nói riêng và khu vực nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng chế biến sâu thành sản phẩm giá trị gia tăng cao như nước quả đóng hộp, trái cây sấy khô, mứt trái cây, trà trái cây.
Thứ hai là về đầu tư, Nam Phi có bờ biển dài bao trọn từ Đông xuống Nam sang Tây châu Phi, được đánh giá là cửa ngõ cho hàng hoá ra vào giữa các quốc gia nội khối châu Phi và thế giới. Nam Phi cũng là thành viên chủ chốt của Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), bên đã ký Hiệp định đối tác kinh tế với EU từ tháng 10/2020 và nhận được nhiều ưu đãi về thuế quan cho hàng hoá có xuất xứ từ SADC vào EU. Hiện nay, Nam Phi là nước có nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào để sản xuất mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Do vậy, ngoài nhập khẩu gỗ nguyên liệu, việc đầu tư nhà máy sản xuất tại Nam Phi, sử dụng nguyên liệu tại chỗ sẽ mang lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các sản phẩm đồ gỗ có chứng nhận xuất xứ từ SADC mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Thứ ba là nhập khẩu nguyên - nhiên liệu. Nam Phi là quốc gia có trữ lượng khoáng sản đa dạng và phong phú. Trong một vài năm gần đây, Việt Nam nhập một lượng lớn than đá từ Nam Phi làm nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước. Dự kiến trong tháng tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Tài nguyên, Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi sẽ ký biên bản ghi nhớ về thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Đây được cho là khung thoả thuận chính thức cao nhất trong lĩnh vực hợp tác khai khoáng giữa hai Chính phủ, cũng như tạo điều kiện trao đổi thương mại lĩnh vực khai khoáng và hợp tác năng lượng sau này.
Ông Phạm Thanh Hải cũng khẳng định, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc có ý nghĩa định hướng sâu sắc đối với việc thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương, bám sát các nội dung hai nước đã đạt được tại Kỳ họp lần thứ 5 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam - Nam Phi vào tháng 4/2022 vừa qua. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đã, đang và sẽ tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và sở tại hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.