Các giai đoạn hình thành và phát triển Hội
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, thời đại Hồ Chí Minh. Nhà nước mới đòi hỏi có một bộ máy Nhà nước mới và phải xây dựng một hệ thống pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ thành quả của cách mạng, phát triển kinh tế, dựng xây đất nước. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng một đội ngũ luật gia phục vụ Cách mạng, phục vụ đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, một số luật gia, sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các Trường Đại học Pháp đã tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới.
Trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước được hình thành, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp mở rộng ra cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã đứng dậy kháng chiến kiên quyết bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Không quản hy sinh, gian khổ, nhiều luật gia Việt Nam đã hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.
Một số luật gia có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiển, Vũ Đình Hòe.
Nhận thấy vai trò quan trọng của luật gia trong cuộc đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng.
Được sự động viên, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, ngày 29/3/1955 khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NV/DC/NĐ.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã trải qua 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc. Tại nhiều kỳ Đại hội, Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và tính chất, đặc điểm của Hội.
Tiếp nối những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc, qua các giai đoạn Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều nhiệm vụ. Trong giai đoạn đầu thành lập đến năm 1980 là giai đoạn hình thành tổ chức, xây dựng Điều lệ Hội, khẳng định tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội, từng bước xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, mở rộng các hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Từ những năm 1980 đến năm 2004, là giai đoạn củng cố và phát triển tổ chức, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào quá trình đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong thời kỳ này, sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam được tăng cường, nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Luật gia. Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam cho thấy tính chất của Hội Luật gia Việt Nam đã được xác định rõ hơn so với các thời kỳ trước đây “là tổ chức của những người làm công tác pháp luật”, “là một tổ chức thống nhất của những người làm công tác pháp luật trên cả nước”.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam ở mọi mặt.
Về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên được củng cố, kiện toàn và có bước phát triển mới.
Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hội chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trưng cầu ý dân; tổ chức nhiều hoạt động góp phần xây dựng Hiến pháp năm 2013; tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập 47 dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. 20 năm qua đã góp ý 39,021 lượt vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và 118,875 văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật là thế mạnh của Hội, được triển khai ngày càng sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói riêng ngày càng được khẳng định và tăng cường.
Hội thực hiện có hiệu quả Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” do Thủ tướng Chính phủ giao. Ký kết các Chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều bộ, ngành hữu quan; triển khai nghiên cứu xây dựng và thí điểm các mô hình PBGDPL có hiệu quả, đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị và địa bàn (20 năm qua, Hội đã thực hiện: PBGDPL trực tiếp 991.328 cuộc cho 62.025.404 người; tư vấn, hướng dẫn pháp luật 934.265 buổi cho 4.852.875 người; cung cấp 37.934.163 tài liệu pháp luật; đăng 1.044.961 tin, bài pháp luật; tuyên truyền 682.425 cuộc qua sóng phát thanh, truyền hình; thực hiện phổ biến pháp luật 1.031.553 cuộc tại các cơ sở giáo dục tại địa phương).
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả và bền vững, qua đó phát huy thế mạnh của đội ngũ luật gia. Hội đã phối hợp với các trại tạm giam, trại giam của các tỉnh thực hiện phổ biến, tư vấn pháp luật cho phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, toàn Hội có 113 Trung tâm TVPL, 20 năm qua Hội đã thực hiện: Tư vấn pháp luật miễn phí trực tiếp 749.632 vụ, bằng văn bản 53.126 vụ; tư vấn thu phí 73.341 vụ; tham gia tố tụng 30.216 vụ; đại diện ngoài tố tụng 6.266 vụ…
Công tác tham gia cải cách tư pháp được thực hiện tích cực, có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo kết quả định kỳ, hàng năm và báo cáo chuyên đề với Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”; tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp…
Cùng với đó, công tác tham gia cải cách hành chính, công tác tư vấn, giám sát giải quyết khiếu nại được tiến hành thường xuyên và có kết quả nhất định. Công tác tham gia phòng, chống tham nhũng của Hội được thể hiện ở nhiều hoạt động như tham gia xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng, tham gia tư vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống tham nhũng….
Công tác giám sát, phản biện xã hội các lĩnh vực gắn với đời sống dân sinh như: Vấn đề xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vấn đề đất đai, bồi thường, tái định cư; vấn đề cộng đồng bảo vệ môi trường... được các cấp Hội, nhất là ở cơ sở tích cực thực hiện.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đã được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, trong đó, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Hội đã vận động và kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến trên Biển Đông để Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) ra 8 tuyên bố về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông (Tuyên bố về những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông; về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam...), một lần gửi thư phản đối tới Chính phủ Trung Quốc; tổ chức 03 hội thảo về “Tình hình Biển Đông và các giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông” (Năm 2017 tại Nhật; năm 2018 và năm 2019 tổ chức tại Nga). Hội cũng phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức 13 cuộc, với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế tại Việt Nam về chủ đề Biển Đông, qua đó ủng hộ quan điểm đúng đắn về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời góp phần giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ những tác động và ảnh hưởng tiêu cực do hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc gây ra đối với hòa bình, an ninh trong khu vực.
Hội đã tích cực lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… để bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam phát huy tốt vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Ban Chấp hành Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) và thành viên của Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA), thiết lập quan hệ hợp tác trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương với hiệp hội nghề luật của một số quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.
Với những đóng góp cống hiến to lớn của Hội Luật gia Việt Nam, ngày 1/7/2022 thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Người dành trọn cuộc đời cho công tác xây dựng và phát triển Hội
Trong quá trình hình thành Hội Luật gia Việt Nam, không thể không nhắc đến luật sư Phan Anh (1912 - 1990), là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội, được đánh giá là một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, với trí tuệ uyên bác và tầm nhìn xa trông rộng, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, một niềm tin vững chắc vào tương lai của dân tộc, luật sư Phan Anh đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ một luật sư, ông trở thành một chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hơn 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng của các Bộ Quốc phòng (3/1946); Bộ Kinh tế (1947); Bộ Công Thương (từ tháng 5/1951 đổi tên Bộ Kinh tế là Bộ Công Thương); Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9/1955 đến tháng 4/1958), Bộ Ngoại thương (tháng 4/1958 đến năm 1976). Ông là ĐBQH từ khóa II đến khóa VIII; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
Ông là một luật gia danh tiếng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, luôn đau đáu với vận mệnh của Tổ quốc, với độc lập, tự do của dân tộc. Không những hoạt động trong nước, luật sư Phan Anh còn tích cực hoạt động quốc tế. Trên diễn đàn của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, tổ chức Liên minh Quốc hội và Hội đồng Hòa bình thế giới, ông đã tích cực đấu tranh nói lên tiếng nói của chính nghĩa của nhân dân ta, tích cực tuyên truyền đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, luật sư, Bộ trưởng Phan Anh đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiều trọng trách. Dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng tận tâm, tận lực, tận tụy đem hết sức mình phục vụ đất nước và để lại dấu ấn trong lòng mọi người cùng các thế hệ.
Những đóng góp của luật sư Phan Anh đối với Hội Luật gia Việt Nam đã để lại cho các thế hệ hội viên Hội Luật gia những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng yếu thế, vì nhân dân và vì công lý.
Các thế hệ Hội viên hôm nay vẫn luôn tiếp bước
Nhìn lại chặng đường thành lập và phát triển, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long chia sẻ, kể từ ngày thành lập (4/4/1955), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có 70.000 hội viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên của Hội gồm những luật gia lão thành với nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyên môn và thực tiễn, và các luật gia trẻ đầy hoài bão, đã và đang công tác tại các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Trong các giai đoạn phát triển, nhiều hội viên của Hội được giao những cương vị trọng yếu trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng.
Theo Phó Chủ tịch Trần Đức Long, cùng với việc phát triển về số lượng, việc nâng cao chất lượng hội viên cũng đã được các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và Hội Luật gia Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam đã xác định rõ các tiêu chí để kết nạp hội viên theo hướng đảm bảo quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Hàng năm, Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hiện các hoạt động của Hội, trong đó, Trung ương Hội mỗi năm tổ chức 2-3 lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và các Chi hội trực thuộc Trung ương; các cấp Hội địa phương mỗi năm đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động Hội cho cán bộ và hội viên hoạt động ở cơ sở…
Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…
Với số lượng hội viên có kiến thức pháp luật đông đảo và ngày càng phát triển, Hội Luật gia Việt Nam trở thành một tổ chức rộng lớn nhất của giới luật gia Việt Nam. Bằng các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả và với tiềm năng to lớn, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng ngày càng được khẳng định và tăng cường.
Có thể nói, Hội Luật gia đã phát huy truyền thống tốt đẹp của Hội, đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ các luật gia, từ các luật gia lão thành cho tới các luật gia là công chức, viên chức đang công tác và đội ngũ các luật sư, luật gia trẻ tự nguyện tham gia tổ chức Hội, hoạt động vì mục đích góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ; bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương hôm nay vẫn không ngừng nỗ lực, coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tiếp bước các thế hệ luật gia đi trước hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới.
Với những nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao tại Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới ngày 1/7/2022, cùng với việc đóng góp xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương tại buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam ngày 21/4/2022, Phó Chủ tịch Trần Đức Long tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam sẽ chung sức, đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Có thể khẳng định, lịch sử của giới luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ luật gia Việt Nam trong nước, đang định cư ở nước ngoài đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.