Hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân: Xin hãy nhanh hơn!

Admin

Thủ tướng Chính phủ ra đến 4 Công điện nhắc nhở việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, nhưng nhiều tỉnh thành vẫn không theo lệnh từ trên mà nghĩ ra đủ lý do để bao biện.

Có câu nói "Nếu thực sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do". Khi có "lý do" người ta có nhiều cách để giải thích cho sự chậm trễ, nghe thì hợp lý mà không hợp tình.

Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để hỗ trợ, giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở đối với người lao động. Nửa năm đã trôi qua nhưng có đến 29 tỉnh thành chưa giải ngân kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, mà thời hạn là 15/8/2022.

Người lao động thì mong số tiền hỗ trợ này như trời hạn mong mưa. Sau thời gian dài ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, công việc bấp bênh, thu nhập giảm sút, lại qua mấy đợt xăng tăng giá đẩy chi phí sinh hoạt lên cao.

Đến thời điểm này, dù giá xăng đã giảm, song người lao động vẫn rất khó khăn bởi vẫn ở trong cảnh "xăng ơi chờ giá nhé", xăng giảm mà giá cả vẫn ở mức cao khiến đời sống của công nhân - người trực tiếp làm ra của cải, sản phẩm cho xã hội luôn ở mức bấp bênh.

Họ chỉ có lương, ngoài ra không có khoản thu nhập thêm từ đâu. Mà lương công nhân thì thường ở mức "ráo mồ hôi là hết tiền" do khung lương tối thiểu theo vùng ốp chặt.

Quanh các khu công nghiệp ở các thành phố lớn là rất nhiều các dãy nhà trọ ẩm thấp, chật chội mà người lao động cho các công ty nước ngoài chen chúc thuê để ở.

Thời điểm này do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng một số ngành nghề bị gián đoạn, nhất là lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô bị giảm sản lượng do thiếu nguyên liệu chế tạo chất bán dẫn. Thời gian làm việc giảm bớt, người lao động phải nghỉ chờ việc nhiều. Người lao động chờ việc trong tình trạng ở nhà thì nóng bức chật chội, phát sinh ăn uống, tiêu tốn, dùng điện nước nhiều hơn trong khi thu nhập thì như miếng bơ để chỗ nóng, cứ từ từ tan chảy, tiêu đi.

Một số công nhân chịu khó thì quanh quẩn trong căn nhà trọ chật chội, mưa thì ngập lụt, nắng thì hun nóng, cộng thêm nỗi lo về an ninh trật tự, cần mẫn làm đồ ăn handmade chào bán. Tham gia bán hàng online nhằm tăng thêm thu nhập nhưng thực tế chả được là bao.

Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng của Chính phủ dành cho họ có thể nói là quý hơn vàng, bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Có tiền, họ có thể sửa được chỗ dột trên mái nhà cho giấc ngủ đêm được yên bình, có bữa ăn tươi sau những ngày triền miên với mì tôm, cơm hộp.

Giá cán bộ phụ trách giải ngân thấu hiểu chính công nhân lao động là người trực tiếp làm ra sản phẩm, đóng góp cho tiện nghi sinh hoạt mọi người. Chiếc xe đi lại, ti vi, máy giặt, điện thoại…, đều có có công sức lao động của họ. Chưa kể doanh nghiệp họ làm, họ đóng thuế tạo nguồn thu trong ngân sách. Tiền lương mà cán bộ nhận được hàng tháng cũng có phần do họ đóng góp...

Vậy mà buồn thay, khi Thủ tướng Chính phủ ra đến 4 Công điện nhắc nhở, nhiều tỉnh thành vẫn không theo lệnh từ trên mà nghĩ ra đủ lý do để bao biện. Vấn đề khó nhất đầu tiên là "tiền đâu" được mở nút thắt rồi mà vẫn không triển khai thì chẳng có một câu trả lời nào là thỏa đáng hết.

Người lao động ra đi từ bờ tre, gốc lúa. Khi ruộng đất nông nghiệp chẳng còn nhiều để canh tác, họ vào nhà máy làm việc vất vả chỉ mong có cuộc sống ổn định. Sự khó khăn vất vả của họ Chính phủ thấu hiểu và có cư xử hết sức nhân văn, thế mà người thực thi lại cứ chần chừ.

Hơn 3 triệu lao động được cơ quan bảo hiểm xác nhận để hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ thuê nhà, mà đến 2/8/2022 các địa phương mới phê duyệt cho hơn 17.000 doanh nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động, chiếm 1/3 hồ sơ về người lao động được đề nghị hỗ trợ. Có nghĩa là còn đến 2/3 số lượng hồ sơ đang chờ giải quyết, trong khi ngày 15/8/2022 là thời hạn cuối triển khai chính sách này.

Buồn thay trong danh sách 29 địa phương này có cả Hải Phòng, nơi có gần hai trăm ngàn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp.

Ngoài Hải Phòng, còn có các địa phương chưa có giải ngân vừa được "điểm danh": Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Không biết các địa phương này sẽ trả lời như thế nào khi đối diện với người công nhân lao động?