HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố.
Tạo động lực mới
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hà Nội, cho biết nội dung trên nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, các chương trình công tác của Thành ủy trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, TP Hà Nội dự kiến đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo là 49.203 tỉ đồng cho 1.469 dự án.
Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư cho các trường học trên địa bàn cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng chuyên môn Ảnh: HỮU HƯNG
Nói cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Hà Nội, cho biết lĩnh vực giáo dục được đầu tư gần 21.000 tỉ đồng cho 653 dự án; lĩnh vực y tế hơn 14.000 tỉ đồng cho 237 dự án; lĩnh vực văn hóa hơn 14.000 tỉ đồng cho 579 dự án. Đến nay, TP Hà Nội đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là hơn 11.291 tỉ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực này, hiện đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn 1.204,202 tỉ đồng thực hiện 20 dự án cấp thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã 10.087,1 tỉ đồng để thực hiện 596 dự án thuộc kế hoạch trong 3 lĩnh vực trên...
Tuy nhiên, hiện còn 216 dự án cấp thành phố chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn (119 dự án đầu tư trường học, 33 dự án y tế, 48 dự án tu bổ, tôn tạo di tích). Sở KH-ĐT TP Hà Nội đang phối hợp với các sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao rà soát và đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án.
Phải thực sự quyết tâm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các sở, ngành, quận, huyện liên quan đều khẳng định đang tích cực triển khai theo kế hoạch, lộ trình mà thành phố đề ra. Điển hình như huyện Thạch Thất, đến nay đã có 43/45 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, 7 dự án đã được giao vốn và 1 dự án đã hoàn thành. Dù vậy, nhiều đại diện lãnh đạo quận - huyện cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
Ở khối quận, khó khăn lớn nhất là diện tích xây dựng trường chuẩn quốc gia, bởi các quận nội đô rất eo hẹp về diện tích đất. Vì thế, giải pháp là phải nâng tầng các trường hiện hữu để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn quốc gia. Các quận cũng đề xuất với thành phố thời gian tới, cân đối ngân sách, bố trí thêm nguồn lực cho các quận trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, cải tạo, tu bổ, tôn tạo di tích.
Còn đối với khối huyện thì đang rất khó khăn trong việc cân đối vốn để đối ứng triển khai các dự án nên một số dự án đã phải tính kế hoạch ứng vốn của năm 2023 cho việc này. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án cũng cũng gặp khó khăn.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khối lượng dự án 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa rất lớn và được người dân rất mong chờ, vì thế các ngành, địa phương cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt về vấn đề tu bổ, tôn tạo di tích. Thời gian tới, ngoài việc các địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất, chỉ đạo sát công việc, tránh để chậm muộn hoặc bỏ sót công việc, cần sự chủ động vào cuộc của các sở, ngành hỗ trợ các địa phương vì trách nhiệm chung.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho hay một số quận, huyện, thị đã thành lập ban chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng nhiệm vụ, qua đó khẳng định đây là nhiệm vụ rất lớn, quan trọng nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để các địa phương phát triển. Các quận huyện khác cũng phải sớm thành lập ban chỉ đạo, sát sao đầu việc, để thúc đẩy nhanh các dự án; các sở ngành, địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo cập nhật về tiến độ để dễ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.
"Khi triển khai, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, bảo đảm các nhiệm vụ thật hiệu quả, dự án đạt chất lượng" - ông Tuấn nêu rõ.
Tập trung cho 3 dự án giao thông trọng điểm
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết hiện thành phố đang tập trung triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hai dự án đang triển khai thực hiện gồm tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đã được phê duyệt dự án, đang triển khai thi công) và dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (hiện đã được phê duyệt dự án, triển khai giải phóng mặt bằng, đang thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư).
Với dự án xây dựng Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu có thể bàn giao mặt bằng trong quý I/2023 để phấn đấu khởi công dự án trong tháng 6-2023. Về các dự án đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8 km, đến nay tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác. Còn với tuyến 3.1 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 mới chỉ đưa vào khai thác đoạn trên cao dài 8,5 km. Trong khi đó, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư; nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch ga ngầm C9 nằm trong khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm.