Dư luận những ngày gần đây dành nhiều quan tâm đến Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có nội dung “cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán”.
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn, Đại học INSTN, Đại học Paris Saclay, Cộng hòa Pháp; Giám đốc nghiên cứu & Fellow scientist, CEA (Cơ quan năng lượng thay thế và năng lượng hạt nhân - (Alternative Energies and Atomic Energy Commission); Giáo sư danh dự, Giảng viên Trường Đại học Điện lực đã dành thời gian chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề này.
- Dưới góc độ của người làm khoa học, ông nhìn nhận như thế nào về quy định “đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán”?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Điều 5. Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đã phân ra 2 loại hình là (1) Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và (2) Điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Quy định “đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán” thuộc loại 1. Thường thì các quy định cần phải hài hòa giữa các cơ quan quản lý lưới điện, nhà sản xuất điện mặt trời và người tiêu thụ.
Theo cá nhân tôi, quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là rất tốt nhưng “đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán” là cần thiết hiện nay khi mà thực trạng hệ thống điện chưa thể đáp ứng phát triển quy mô lớn. Quy định này có thể giảm thiểu được một phần áp lực và ảnh hưởng của điện mặt trời với hàm lượng lớn đối với vận hành lưới điện.
- Vậy vì sao nhà soạn thảo lại phải đưa ra quy định gây nhiều tranh cãi như thế, thưa ông?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Việc thúc đẩy phát triển điện măt trời là chính sách đúng đắn và đúng xu thế trên thế giới, vì điện mặt trời là dạng năng lượng sạch và rất cạnh tranh, tức là rẻ so với các dạng năng lượng khác. Hơn nữa nó cho phép phát triển vừa tập trung và vừa phân tán tới các hộ tiêu thụ điện ở lưới hạ thế. Thực ra nếu khai thác tốt điện măt trời nó mang lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Nhưng ngoài lợi ích to lớn, điện mặt trời cũng mang lại nhiều hệ lụy cho vận hành lưới điện vì tính thất thường (intermitency), và nhất là lưới điện tích hợp với hàm lượng lớn điện mặt trời như ảnh hưởng tới ổn định, dao động điện áp, tần số, quá tải, bảo vệ…
Vận hành lưới điện phải bảo đảm an toàn, kinh tế và phải có giải pháp để giảm thiểu các rủi ro trên. Đối với vận hành lưới điện, lý tưởng nhất là các nguồn sản xuất điện được tiêu thụ tại chỗ. Do đó quy định này về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là hợp lý về mặt kỹ thuật. Theo tôi nghĩ quy định này là giải pháp tình thế để hạn chế hàm lượng điện mặt trời tích hợp vào lưới điện trong khi lưới điện chưa có khả năng hấp thụ được hết được dạng năng lượng này. Điện mặt trời úp mái là giải pháp tốt để tận dụng các hạ tầng hiện có để phát triển điện mặt trời mà không chiếm dụng đất.
- Yếu tố khoa học kỹ thuật đóng vai trò như thế nào trong những tranh luận thời gian qua về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu? Thực tế có quan điểm cho rằng có một số người đang cổ suý cho quan điểm dân tuý “lãng phí điện mặt trời”?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Yếu tố khoa học kỹ thuật đóng vai trò rất lớn trong việc giải thích về mặt cân bằng công suất trong vận hành lưới điện cũng như bảo đảm vận hành an toàn, kinh tế. Nên chăng phải cần có một đánh giá khoa học về việc kinh tế, kỹ thuật và môi trường để giải thích cho quy định như: Ảnh hưởng điện mặt trời với vận hành lưới điện; về vấn đề kỹ thuật, tại sao nguồn điện mặt trời lại nối lưới và có thể không nối lưới? hàm lượng điện mặt trời mà lưới điện hiện hành có thể hấp thụ được là bao nhiêu?
Do đó quy định này về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là hợp lý về mặt kỹ thuật. Theo tôi nghĩ quy định này là giải pháp tình thế để hạn chế hàm lượng điện mặt trời tích hợp vào lưới điện trong khi lưới điện chưa có khả năng hấp thụ được hết được dạng năng lượng này.
Các giải pháp nâng cao hàm lượng tích hợp điện mặt trời cho lưới điện; lợi ích của tự sản tụ tiêu; suất đầu tư hiện tại là bao nhiêu và lợi nhuận là bao nhiêu nếu là giá không đồng với các hộ gia đình nhỏ (3-9 kW), các hộ lớn hơn và các nhà công nghiệp, doanh nghiệp. Nếu đánh giá tốt và cho vài ví dụ điển hình với các loại hình khác nhau (tính theo công suất lắp đăt như 3, 6, 9 kW... 100, 250, 500 kW và lớn hơn) thì quy định sẽ có sức thuyết phục cao.
Thực ra nhiều khi lưới điện yêu cầu phải giảm công suất phát của điện mặt trời (không phải lúc nào cũng yêu cầu giảm bằng không) hoặc cho giá điện âm, nhưng nó xuất hiện chỉ vào vài thời điểm trong năm. Do đó có quan điểm cho rằng có một số người cổ suý cho quan điểm dân tuý “lãng phí điện mặt trời” thì cũng có lý do vì các hộ dân nhỏ, đầu tư để phát triển điện mặt trời, lại phải tìm các khống chế nó không cho phát vào lưới khi lưới điện không thể hấp thụ. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là giải pháp tạm thời hiện nay.
- Ông nhìn nhận thế nào về những tranh luận xung quanh câu chuyện trên và nó cho cho thấy kinh nghiệm gì trong việc làm chính sách?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Những chính sách cần xây dựng theo lộ trình (Roadmap), ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (2050). Thực ra chúng ta cũng có các tổng sơ điện (có thể xem như Roadmap), như hiện tại là Quy hoạch điện 8, nhưng chúng ta vẫn có độ lệch rất lớn giữa tổng sơ đồ và thực tế.
Đối với điện úp mái, nên chăng phải cần hợp tác trong nghiên cứu giữ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất ngành điện về kinh tế, kỹ thuật và môi trường cho các chính sách. Đối với điện mặt trời úp mái nối lưới, nên chăng phải có một đánh giá và nghiên cứu cụ thể với từng loại hộ sản xuất và tiêu thụ, tính theo công suất lắp đặt
- Những thách thức nào cơ quan quản lý sẽ phải đối mặt trong việc thực hiện và quản lý quy định này nếu được thông qua?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Nếu quy định này thông qua sẽ có nhiều thách thức với nhà sản xuất điện mặt trời và các cơ quan quản lý như các khâu: Cấp phép; Tính toán để không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Lựa chọn giữ bán không đồng và giảm công suất về không (phải trang bị thiết bị tiết giảm công suất on line); Kiểm tra thế nào là úp mái đúng nghĩa ! Quy định xây dựng úp mái; An toàn và phòng cháy chữa cháy; Cách tính và quản lý sản lượng không đồng.
- Cuối cùng, ông có những đề xuất hoặc gợi ý gì cho việc hoàn thiện nghị định và đảm bảo rằng chính sách này sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho cả người tiêu dùng và mặt trời mái nhà?
GS. TSKH Trần Quốc Tuấn: Các nghị định cần đảm bảo rằng chính sách này sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho cả người phát triển mặt trời mái nhà và nhà quản lý vận hành lưới điện. Các nghiên cứu cần hoàn thiện thêm như :
Nên có chính sách thu mua điện mặt trời phù hợp với từng loại nhà sản xuất điện mặt trời, tính theo công suất lắp đặt (3, 6, 9 kW… 100, 250, 500 kW và lớn hơn) để tránh lãng phí.
Khuyến khích lắp đặt tích trữ điện mặt trời (ví dụ dùng Battery) để tăng khả năng tự sản tự tiêu.
Các doanh nghiệp dư thừa điện mặt trời có thể bán cho doanh nghiệp lân cận để tránh phải giảm công suất phát bằng không.
Các nhóm sản xuất điện mặt trời (tập hợp địa lý một nhóm hộ dân gần nhau) có thể trao đổi công suất cho nhau để tránh phải giảm công suất phát bằng không.
Điều chỉnh giá bán theo quý.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!