Ðịa phương chậm trễ, bao biện lí do
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến ngày 11/8, các địa phương đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ của hơn 2,84 triệu NLĐ, tổng kinh phí đề nghị trên 1,88 nghìn tỷ đồng (bằng 29% dự kiến). Trong đó, có hơn 2,6 triệu người đang làm việc và hơn 204 nghìn người quay trở lại làm việc.
Dù vậy, các địa phương mới phê duyệt hỗ trợ hơn 1,9 triệu NLĐ, tổng tiền hơn 1,23 nghìn tỷ đồng và giải ngân chỉ trên 728 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1 triệu người (số tiền bằng 11% so với dự kiến).
Theo ông Bình, có 4 tỉnh đã duyệt hồ sơ nhưng chưa giải ngân hỗ trợ NLĐ, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Nhiều địa phương giải ngân dưới 1%, như: An Giang, Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá… Một số địa phương nhiều NLĐ nhưng giải ngân thấp, như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An... Một số địa phương giải ngân thuộc nhóm dẫn đầu cũng chưa vượt quá 40% số dự kiến, như: Đồng Nai, Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nội...
Nguyên nhân chậm, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, có địa phương chưa quan tâm đến chính sách này; có địa phương yêu cầu thêm thủ tục làm khó doanh nghiệp và NLĐ; doanh nghiệp lập và gửi hồ sơ muộn, một số đơn vị sợ bị thanh kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không phổ biến tới NLĐ của mình.
Bên cạnh đó, có sự lúng túng trong thẩm định, duyệt hồ sơ của cán bộ cấp huyện, với tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Cũng có việc một số địa phương dự kiến số NLĐ được hỗ trợ cao, nhưng thực tế thấp hơn nhiều, như Đồng Nai đề nghị giảm gần 300 tỷ đồng so với ban đầu, hay Hà Tĩnh, Đắk Nông, Hải Dương,…
Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An cho hay, tới ngày 10/8, tỉnh này đã phê duyệt hỗ trợ trên 163 nghìn NLĐ, với số tiền hơn 86 tỷ đồng (đã giải ngân gần 22 tỷ đồng). Trước đó, địa phương này dự kiến số tiền hỗ trợ khoảng 165 tỷ đồng.
Giải ngân chậm, ông Tánh cho hay, thời gian đầu tập trung chuẩn bị; rà soát số lượng lao động chưa sát thực tế; xảy ra trùng lặp với các doanh nghiệp có chi nhánh ở nhiều địa phương; doanh nghiệp gửi hồ sơ còn sai sót, phải điều chỉnh mất nhiều thời gian; một số doanh nghiệp yêu cầu NLĐ phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thuê trọ, dù quy định không yêu cầu...
Với Hải Dương, ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, tới nay địa phương đã duyệt hỗ trợ cho hơn 16,7 nghìn người, tổng số tiền trên 25 tỷ đồng. Giải ngân thực tế hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ trên 3,7 nghìn NLĐ. Ông Tùng dẫn ra hàng loạt khó khăn trong quá trình triển khai gói hỗ trợ, như: Nhiều doanh nghiệp chậm xác minh hồ sơ của NLĐ; nhiều cấp quận/huyện thực hiện thủ tục và giải ngân chậm...
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tới ngày 11/8, BHXH các địa phương đã xác nhận cho hơn 3,85 triệu NLÐ để làm hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà. Trong đó có hơn 3,6 triệu NLÐ đang làm việc, gần 250 nghìn NLÐ quay trở lại thị trường.
Còn theo tổng hợp của Bộ LÐ-TB&XH về nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà từ các địa phương, dự kiến cả nước có khoảng 3,8 triệu NLÐ đủ điều kiện hỗ trợ với tổng số tiền trên 6,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 3,3 triệu NLÐ đang làm việc (hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng, trong 3 tháng) và gần 500 nghìn người quay trở lại thị trường (hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng).
Không tiêu hết sẽ hoàn trả
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm giúp NLĐ bớt khó khăn sau dịch COVID-19, giúp địa phương giữ chân NLĐ ở lại để phục hồi kinh tế . Chính sách là cần thiết, NLĐ mong chờ. Ngày 15/8 là hạn cuối nhận hồ sơ đề xuất hưởng chính sách này, nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Điều này không phải do thiếu tiền, khi ngân sách trung ương đã chuyển toàn bộ hơn 6 nghìn tỷ đồng về tài khoản các địa phương từ giữa tháng 7.
Trong khi đó NLĐ đang chật vật lo cuộc sống, như khu vực TPHCM, công nhân may chỉ thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng, riêng tiền thuê nhà trên dưới 1 triệu đồng/tháng, tức 20% thu nhập của NLĐ, chưa kể các chi phí khác.
“Việc đẩy nhanh giải ngân chính sách hỗ trợ này vô cùng cần thiết, là trách nhiệm và bổn phận của chính quyền”, ông Dung nói, và cho biết: Thủ tướng đã yêu cầu bộ công khai địa phương nào chậm, nguyên nhân do đâu, trách nhiệm các bên liên quan.
Tại Phú Thọ, địa phương đã thẩm định hồ sơ hơn 4,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 3 nghìn NLÐ, nhưng tới nay mới duyệt hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho trên 300 người. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Phú Thọ cho biết, nguyên nhân chậm do phía doanh nghiệp rà soát hồ sơ NLÐ mất nhiều thời gian; các doanh nghiệp chờ gộp gửi hồ sơ 1 lần; một số chủ nhà trọ không đồng ý cung cấp số căn cước công dân khi người thuê trọ xin xác nhận, chủ trọ không xác nhận...
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH chia sẻ thêm, tới nay cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận hồ sơ cho trên 3,8 triệu người, vượt số dự kiến. Con số cho thấy số lượng NLĐ làm hồ sơ hỗ trợ đã vượt dự kiến, chậm chủ yếu ở khâu phê duyệt hồ sơ của các địa phương.
Có địa phương hồi đầu tháng báo cáo giải ngân được 4-5%, tới nay vẫn ở ngưỡng đó.
“Lãnh đạo nhiều địa phương băn khoăn, lo ngại rủi ro là cần thiết, nhưng không thể vì băn khoăn mà chậm trễ thực hiện. Thậm chí cố tình kéo dài để không hỗ trợ, điều đó không chấp nhận được”, ông Đào Ngọc Dung nói thêm.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, trước mắt bộ vẫn cùng địa phương tập trung tối đa để giải ngân gói hỗ trợ. Hết thời hạn nhận hồ sơ (sau ngày 15/8), nếu lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ của NLĐ đủ điều kiện còn nhiều, bộ sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ gia hạn thực hiện gói này để đảm bảo tối đa quyền lợi NLĐ.
Hiện, số lượng NLĐ làm hồ sơ được Bảo hiểm xã hội xác nhận đã vượt dự kiến, tức còn nhiều, vấn đề là thẩm định và phê duyệt của cấp địa phương cho kịp thời. Trường hợp đã dùng mọi giải pháp vẫn không giải ngân hết số tiền trung ương đã chuyển, các địa phương phải trả lại ngân sách trung ương.
“Trước mắt vẫn thúc đẩy địa phương nỗ lực tối đa để hỗ trợ được nhiều NLĐ nhất có thể, nên chưa bàn tới quy trách nhiệm cho ai. Việc quy trách nhiệm sẽ soi xét sau”, ông Thanh nói.