Giải pháp nhân sự từ trường đại học khi thương mại điện tử “bùng nổ"

Admin

Trong khi tốc độ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng tăng cao thì số lượng và chất lượng nhân sự cho ngành này vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Ngày 9/9, hội thảo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 – Những bước tiến nổi bật” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức đã diễn ra tại Trường Đại học Hoa Sen.

Tại đây, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) trình bày, báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2020 và 2022 cho thấy, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh, là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 645/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đặt ra 2 mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực.

Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT. Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý Nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, nguồn nhân lực TMĐT hiện nay đang và sẽ thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là tại các trường đại học, với 76 trường có đào tạo ngành và chuyên ngành TMĐT, 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT.

Theo đánh giá của nhiều tập đoàn TMĐT lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mặc dù quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đứng sau Indonesia nhưng sức bật, mặt bằng nhân lực ở Việt Nam vượt Indonesia, ngang bằng Thái Lan, và sau Singapore.

Khảo sát mới đây của VECOM cũng cho thấy, hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo chính quy. Như vậy, có tới 70% nhân sự TMĐT ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực TMĐT là rất lớn.

“Hàng năm, Hiệp hội luôn phối hợp xây dựng chương trình phát triển TMĐT bền vững giữa Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh, thành với mong mỏi nhất là làm thế nào để cung cấp tốt nhất nguồn lực TMĐT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu cho phát triển”, ông Dũng cho biết.

Sự kiện - Giải pháp nhân sự từ trường đại học khi thương mại điện tử “bùng nổ'

Cũng tại sự kiện này, mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử khu vực phía Nam đã được ra mắt.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục Trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá: “Cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi nhận thấy, khi lĩnh vực thương mại điện tự “bùng nổ” thì công tác phát triển nguồn nhân lực là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu cao. Thiếu hụt này cần giải quyết, cần phối hợp các bên để đáp ứng về số lượng và chất lượng cho nhân lực TMĐT”.

Bản thân cơ quan chuyên trách của Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, để đáp ứng được mục tiêu này, việc đào tạo TMĐT của Việt Nam vẫn còn những thiếu sót cần cải thiện.

Trong đó, vướng mắc chính là vừa gia tăng số lượng trường đào tạo nhưng cũng phải nâng cao chất lượng dạy học. Bởi nhu cầu thị trường đang lớn nhưng khả năng đào tạo nhân lực vẫn còn hạn chế.

Hiện nay mới chỉ có khoảng 30% nhân lực trong ngành TMĐT được trải qua đào tạo chính quy. Còn có tới 55% đến từ các ngành đào tạo liên quan như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin và 15% đến từ các ngành nghề khác. Vì vậy, có thể khẳng định dư địa cho đào tạo đại học chính quy của ngành TMĐT vẫn còn rất lớn.

“Bên cạnh những thuận lợi, để cải thiện cả về chất và lượng nhân lực TMĐT thì cần tăng cường phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Bởi lẽ, TMĐT là ngành phát triển và thay đổi nhanh chóng, nên chương trình học cần được cập nhật bằng việc đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tham gia đào tạo thực tế cho sinh viên”, ông Quang nói.