Mùa lễ vắng khách bay nội địa
Đầu tháng 5/2024, trong khi khách bay quốc tế qua sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ 30/4 tăng thì khách bay nội địa lại giảm mạnh.
Theo số liệu của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng số chuyến bay thực hiện là 3.961; trung bình 660 chuyến/ngày. Đáng chú ý, con số này so với năm 2023 giảm 8,86% và so với năm 2019 (trước dịch Covid-19) giảm 10,04%.
Tổng số hành khách đi - đến sân bay Tân Sơn Nhất là hơn 652.831 lượt trong đợt cao điểm lễ 30/4; trung bình hơn 108.000 lượt/ ngày. Con số này giảm 7,62% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9,67% so với năm 2019.
Ở chiều ngược lại, khách bay quốc tế lại tăng khi số lượng chuyến bay trung bình đạt 264 chuyến/ngày, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách quốc tế đi - đến trung bình 44.176 lượt/ngày, tăng 11,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, các đơn vị của cảng đã chủ động sắp xếp nhân sự, bảo đảm phục vụ, phối hợp điều hành, thực hiện đúng phương án khai thác. Khu vực công cộng xe đưa đón hành khách trật tự, luồng tuyến hợp lý, giải phóng khách kịp thời tại các khung giờ cao điểm…
Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra, để thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ô tô, đường thủy ở những chặng xa, vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách.
Hoạt động du lịch đã gia tăng xu hướng tự lái xe đến điểm đến trong bán kính gần để tự do khám phá, trải nghiệm và tăng tính chủ động trong hành trình dịp nghỉ lễ năm nay.
Cùng quan điểm, báo cáo của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do giá vé máy bay tăng cao nên xu hướng sử dụng phương tiện vận chuyển đường sắt tăng mạnh. Khách du lịch có xu hướng đi du lịch tự túc bằng phương tiện cá nhân. Lượng khách gia đình đi du lịch đường bộ đến các điểm như Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng… có xu hướng tăng.
Như du khách Nguyễn Thanh Phước (ngụ quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, giá vé máy bay dịp lễ 30/4 năm nay không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm. Đối với một chuyến đi du lịch mà giá vé máy bay 5 - 6 triệu đồng là quá cao, trong khi nhiều tour du lịch trọn gói, đặc biệt là Thái Lan 4 - 5 ngày có giá ngang ngửa với giá vé máy bay.
“Dịp lễ này, gia đình tôi dự định đi du lịch bằng đường hàng không tới Đà Nẵng vì bình thương chỉ hơn 2 triệu/người. Nhưng sau khi xem giá vé tới khoảng 4 triệu đồng/người, vợ tôi quyết định gia đình sẽ đi ô tô cá nhân để tiết kiệm chi phí và cho các con có thêm trải nghiệm ở nhiều điểm dừng nghỉ trên hành trình. Với tôi, đi du lịch bằng ô tô cũng có cái hay và tính chủ động cao hơn”, anh Phước nói.
Xu hướng giá vé máy bay tiếp tục tăng
Với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp cũng mất khách do giá vé máy bay tăng cao. Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist, cho biết giá vé máy bay thường xuyên ở mức cao từ đầu tháng 3/2024 đến nay, dẫn đến một số tour du lịch nội địa sử dụng dịch vụ hàng không tăng giá lên tới 30%. Hệ quả là khách hàng có xu hướng chọn tour đi nước ngoài sau khi so sánh giá kỹ lưỡng hoặc chuyển sang tour đường bộ.
Trao đổi lại, Tổng Giám đốc một hãng bay cho rằng giá vé bay cao do đặc thù của hàng không là nhiều giao dịch với các hãng nước ngoài, từ bảo trì dịch vụ, mua sắm tàu bay, thuê tài sản, thuê phi công... đều chi trả bằng USD, phụ thuộc vào biến động tỷ giá ngoại tệ.
Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng chi phí đầu vào của các hãng bay. Vào thời điểm trước dịch Covid-19, giá dầu 79USD/thùng nhưng hiện nay xu hướng tăng, dao động 86 USD/thùng. Chi phí đầu vào tăng mạnh buộc hãng bay điều chỉnh giá vé nhưng vẫn nằm trong khung giá trần quy định.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cũng minh chứng, số lượng máy bay cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đến nay đã có 22 máy bay được tháo động cơ theo diện triệu hồi của nhà sản xuất để sửa chữa. Ngoại trừ Vietnam Airlines và Vietjet, số lượng máy bay của ba hãng là Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines giảm từ 30 chiếc xuống còn sáu chiếc, trong đó Pacific Airlines không còn máy bay. Việc thiếu máy bay diễn ra trên toàn cầu nên việc thuê tàu bay vừa khó khăn, vừa giá cao.
Ông Subhas Menon, Tổng Giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng không riêng Việt Nam, giá vé máy bay trên thế giới nhìn chung đều cao vì phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung. Hiện nguồn cung thực sự không theo kịp nhu cầu, khi nào nguồn cung - cầu cân bằng thì giá vé sẽ giảm.
2 nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng cao và có thể tiếp tục tăng. Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn. Thứ hai, chi phí nhiên liệu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe.
Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn "du lịch trả thù" hậu COVID-19, các hãng hàng không dần dần tăng giá vé để cân đối tài chính. Cuối cùng, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện.
Ngoài ra, giá vé máy bay tăng còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu như áp lực do tăng tỷ giá, xung đột quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị hàng không, đồng thời làm thay đổi lịch trình các chuyến bay.