GĐ quốc gia Mastercard chỉ ra lý do phần lớn nữ doanh nhân ở Việt Nam chỉ có khả năng điều hành các DN quy mô nhỏ

Admin

Khoảng 1/4 chủ doanh nghiệp Việt là phụ nữ. Điều này cho thấy sự tham gia đáng kể của họ vào hoạt động kinh doanh, đặc biệt rõ ràng ở các doanh nghiệp gia đình ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể về tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy vai trò then chốt của phụ nữ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang ngày càng được công nhận.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3/2024, bà Winnie Wong - Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào – đã có những chia sẻ về câu chuyện nữ quyền trong kinh doanh hiện nay.

Theo Grant Thornton, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh doanh, tính đến năm 2023, phụ nữ đã nắm giữ 34% các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam, vượt mức trung bình trên toàn cầu là 32%. Bên cạnh đó, khoảng 1/4 chủ doanh nghiệp Việt là phụ nữ. Điều này cho thấy sự tham gia đáng kể của họ vào hoạt động kinh doanh, đặc biệt rõ ràng ở các doanh nghiệp gia đình ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Phụ nữ cũng chiếm hơn 59% trong lĩnh vực ngân hàng và lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một nữ thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng những số liệu thống kê này nhấn mạnh động lực tích cực hướng tới thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập về giới trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra, phụ nữ đã chứng minh được việc họ cũng có thể là những doanh nhân kiên cường, với khả năng thích ứng trong quản lý kinh doanh, đặc biệt là thời điểm đầy thách thức, bà Winnie Wong nhấn mạnh.

“Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững. Điều này nhấn mạnh vai trò then chốt của họ trong việc định hình tương lai của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số ”, bà nói.

Dù vậy, phần lớn nữ doanh nhân ở Việt Nam chỉ có khả năng điều hành các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Có nhiều trở ngại cho phụ nữ khi làm lãnh đạo, theo bà Winnie Wong:

Một, sự hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, công nghệ và chương trình đào tạo. Sự hạn chế này làm giảm khả năng hiện thực hóa hoàn toàn các ý tưởng kinh doanh, đồng thời, cản trở tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, đặc biệt là trong việc tận dụng các tiến bộ công nghệ.

Thứ hai, các chuẩn mực và định kiến giới trong xã hội vẫn còn tồn tại.

Và cuối cùng, là sự cân bằng giữa trách nhiệm chăm sóc gia đình và theo đuổi sự nghiệp. Ở Việt Nam, 45% phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong các công việc nội trợ như dọn dẹp hoặc chăm sóc gia đình, mặc dù họ vẫn phải làm việc toàn thời gian, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 24%. Nghiên cứu trên toàn cầu cũng chỉ ra rằng cứ 10 phụ nữ thì có 4 người cảm thấy bị áp lực khi phải ưu tiên sự nghiệp của bạn đời hơn sự nghiệp của mình.

Chia sẻ về hành trình của mình, bà tâm sự: “ Là một nữ doanh nhân, một người vợ và một người mẹ, tôi hiểu rõ hơn hết những khó khăn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm công việc và cá nhân. Một phương pháp tôi thấy hiệu quả chính là phân chia “thời gian làm việc” và “thời gian cá nhân”, từ đó giải quyết công việc dựa trên các ưu tiên . Bên cạnh đó, c ũng cần xây dựng thói quen giao tiếp cởi mở và ưu tiên sự thấu hiểu, cảm thông trong gia đình. Bởi , s ự hỗ trợ và đồng cảm từ bạn đời và các thành viên trong gia đình đóng vai trò then chốt trong việc giảm bớt gánh nặng mà phụ nữ phải đối mặt ”.

Riêng Mastercard, theo bà Winne Wong, hiện có đến 39% lực lượng lao động toàn cầu và 34% vai trò quản lý cấp cao của Mastercard đều do phụ nữ nắm giữ. Đáng nói, bình đẳng giới trong vấn đề lương là một trong ba ưu tiên ESG toàn cầu nhằm tăng số lượng đại diện nữ ở cấp phó chủ tịch trở lên. Cụ thể, nhân viên nữ được hưởng 1 USD thì nhân viên nam cũng được hưởng 1 USD.

Tại Việt Nam, Mastercard được biết còn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và các đối tác NGO như Wise, Canal Circle, để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam lãnh đạo. Trong thời kỳ đại dịch, Mastercard và CARE đã cung cấp khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho 1.000 doanh nhân nữ, để góp phần khắc phục ảnh hưởng từ đại dịch. Hay giai đoạn 2020 - 2023, công ty cũng đã phát động chương trình Ignite giúp doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo khả năng tiếp cận tốt hơn với vốn lưu động. Chương trình này đã hỗ trợ 50.000 doanh nhân nữ, với 86% nữ chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ cảm thấy tự tin hơn trong việc điều hành doanh nghiệp và 80% cho biết khả năng quản lý tài chính và tăng doanh số bán hàng được cải thiện…