Gạo Trung An nâng mức tồn kho lên gần 1.200 tỷ đồng

Admin

Tính đến hết quý II/2022, tổng tài sản của Gạo Trung An TAR tăng lên mức 2.742 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho ghi nhận ở mức 1.200 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (MCK: TAR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ.

Kết thúc quý II/2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (MCK: TAR) ghi nhận doanh thu đạt 765 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, do giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp tăng từ mức 68 tỷ đồng trong quý II/2021 lên mức 89,3 tỷ đồng trong quý II/2022.

Bên cạnh đó, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh và tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An báo lãi sau thuế 23 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình kết quả kinh doanh quý II, công ty cho biết lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng chủ yếu là do trong kỳ chi phí nguyên vật liệu sản xuất có giá thành tốt, mang lại lợi nhuận gộp cao hơn so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TAR thu về 1.723 tỷ đồng từ doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 40%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 50,6 tỷ đồng, tăng 162% so với nửa đầu năm ngoái. 

Năm 2022, công ty đề ra mục tiêu mang lại 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của TAR là 2.742 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu kỳ chủ yếu do khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh. 

Cụ thể, cuối kỳ các khoản phải thu ngắn hạn của công ty là 842 tỷ đồng, cao hơn so với đầu kỳ gần 3 lần. Chỉ số hàng tồn kho đạt 1.197 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm, phần lớn đến từ nguyên liệu, vật liệu với 1.013 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, dư nợ phải trả của công ty là 1.558 tỷ đồng, cao hơn so với đầu kỳ 242 tỷ đồng. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.376 tỷ đồng, cao hơn 15,8% so với đầu năm. 

Cuối kỳ, nguồn vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp là 1.184 tỷ đồng, tăng 73% so với số đầu kỳ.

Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 mới diễn ra, Gạo Trung An sẽ tăng vốn điều lệ từ 712 tỷ đồng lên 1.575 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu (giá 15.000 đồng/CP) và phát hành riêng lẻ (giá 20.000 đồng/CP). Số tiền dự kiến huy động gần 1.400 tỷ đồng, doanh nghiệp huy động vốn cho 2 mục tiêu.

Thứ nhất, nâng cao năng lực vốn, đáp ứng vai trò là đối tác được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vùng tứ giác Long Xuyên giai đoạn 2021-2025.

Thứ 2, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao vùng tứ giác Long Xuyên phục vụ xuất khẩu, mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo chất lượng cao hướng hữu cơ vào các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc… với kim ngạch tối thiểu 800 triệu USD/năm.

Gạo Trung An cũng muốn huy động 500 tỷ đồng để đầu tư M&A các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng về ngành nông lâm ngư nghiệp hoặc ngành y tế. Địa điểm thực hiện dự án là khu vực phía nam, miền đông/tây nam bộ.

Cũng tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo TAR lý giải hiện tượng khoản mục hàng tồn kho và khoản phải thu tăng mạnh do đặc thù của Gạo Trung An đi theo phân khúc chất lượng cao, có những sản phẩm chỉ làm một vụ không có sẵn trên thị trường nên phải tồn kho để đảm bảo cung ứng. Với tình hình thiếu lương thực trên thế giới hiện nay thì Gạo Trung An tự tin sẽ xuất hết, không đáng ngại. Doanh nghiệp cũng tự tin thu hồi được toàn bộ khoản phải thu.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, sự thiếu hụt lương thực thế giới do xung đột Nga-Ukraine sẽ đẩy giá gạo Việt Nam vào một chu kỳ tăng mới, nhờ vậy giá gạo trung bình cả năm 2022 được dự báo sẽ ở mức tương tự năm 2021.

MASVN dự phóng doanh thu cả năm 2022 của TAR đạt 3.432 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tăng; lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước.