Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh

Admin

Bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất.

Xu thế tất yếu

Kinh tế xanh (Green Economy) là nền kinh tế là ít carbon, tiết kiệm tài nguyên và hòa nhập xã hội (UNEP, 2011). Theo đó, kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Không giống như các mô hình kinh tế truyền thống (tuyến tính) thường ưu tiên tăng trưởng kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến môi trường, nền kinh tế xanh nhấn mạnh việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.

Các mô hình kinh tế tuyến tính có xu hướng coi thường những hậu quả lâu dài của việc cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Ngược lại, nền kinh tế xanh tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và tính bền vững sinh thái, thừa nhận tính chất hữu hạn của các nguồn tài nguyên trên hành tinh chúng ta.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” (Điều 142, Luật bảo vệ môi trường 2020). Từ định nghĩa trên “kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là một mô hình kinh tế”, mô hình đó được xây dựng dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều là đầu vào của một thứ khác”, rất khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính (tài nguyên được sản xuất thành sản phẩm và sau khi được sử dụng thì bị coi như chất thải).

Kinh tế vĩ mô - Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh

TS. Hoàng Quốc Lâm- Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Kinh tế tuần hoàn thực chất là mô hình kinh doanh thông qua một chu trình sản xuất khép kín không có sự “kết thúc vòng đời” bằng việc tái sử dụng, tái chế, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đáp ứng sự thịnh vượng về kinh tế, công bằng xã hội, bảo đảm lợi ích của hiện tại và tương lai.

Để thực hiện mục tiêu hướng đến năm 2030, Việt Nam về cơ bản trở thành một nền công nghiệp hiện đại, cùng với việc thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững, giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 trong bối cảnh có sự gia tăng áp lực về quản lý rác thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bất bình đẳng, khả năng cạnh tranh toàn cầu và tích hợp sâu vào chuỗi giá trị quốc tế thì Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050);

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương "phát triển nhanh và bền vững" cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh; Chiến lược phát triển kinh tế xanh 10 năm (2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ), đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" và "khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất";

Nghị định 08 của Chính phủ đã cụ thể hóa các điều khoản quy định về kinh tế tuần hoàn tại chương X, mục 3: Điều 138 quy định chung về kinh tế tuần hoàn, Điều 139 quy định về lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn; Điều 140 về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn,...đây là những văn bản pháp lý quan trọng, hướng tiếp cận - xu thế tất yếu thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.

Doanh nghiệp là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu”

Bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất bởi doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, để sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng được xem là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu” cho tăng trưởng và phát triển nên việc nhận thức được vai trò của tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp tới công cuộc tăng trưởng xanh của đất nước sẽ giúp doanh nghiệp lồng ghép, định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh vào quá trình phát triển của mình.

Do đó, có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định. Bởi thông qua mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải carbon, hướng tới sản xuất - tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Kinh tế vĩ mô - Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh (Hình 2).

Doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (AFTA, EVFTA, CPTPP,…) ngày càng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về tính bền vững, yêu cầu doanh nghiệp trong kinh doanh phải nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện cụ thể các yêu cầu bắt buộc, các nghĩa vụ mang tính kinh tế, pháp lý, đạo đức, nhân văn trong quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bao gồm:

Bảo vệ môi trường; đóng góp cho cộng đồng xã hội; thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng;quan hệ tốt với người lao động; đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy,khi doanh nghiệp áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp: Giúp tiết kiệm tài nguyên đồng thời giảm chi phí bằng cách biến chất thải của một ngành thành nguyên liệu cho ngành khác; góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế; mang lại lợi ích xã hội bằng cách tạo ra công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững vừa là cách để doanh nghiệp gia tăng cùng trách nhiệm “xanh” và trách nhiệm xã hội.

Những “lực cản” và giải pháp

Việc thực hiện thành công nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phụ thuộc rất nhiều vào vai trò và trách nhiệm của chính các đơn vị, doanh nghiệp nhưng đây lại là vấn đề còn khá mới mẻ nên mức độ hiểu biết, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, ngành, các địa phương về nội hàm của kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh còn chưa đầy đủ và có sự khác biệt; việc không muốn đánh đổi các lợi ích ngắn hạn lấy sự phát triển bền vững, lâu dài là những thách thức.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập nâng cao nhận thức, kiến thức về vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết của phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đến mọi người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội cùng chuyển động theo một mục tiêu phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên,các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện... trong khi các thể chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng dẫn thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn nhiều "lực cản", khó khăn vướng mắc.

Vì vậy, việc thể chế hóa nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính phục vụ công tác quản lý một cách hệ thống, đầy đủ, đồng bộ theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, tối ưu hóa nguồn lực, khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sự phối hợp liên vùng, liên ngành với các chủ thể trong nền kinh tế; Tăng cường vai trò tiên phong trong việc tuân thủ nguyên tắc kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp cũng là một trong những vấn đề lớn cần sớm được giải quyết.

Bên cạnh đó, đây cũng là một quá trình, đòi hỏi nguồn lực rất lớn đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… Nhà nước cần xây dựng những giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển các định chế tài chính để thực hiện các mục tiêu đặt ra, như cơ chế hợp tác công - tư, các cơ chế tài chính xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh; thị trường CO2,... để hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai theo đuổi chiến lược xanh.

Đồng thời, để hiện thực hóa lợi ích từ nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng.

Doanh nghiệp phải xây dựng, kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển, chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, liên doanh, hợp tác học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ đó, đề ra lộ trình, chương trình hành động phù hợp với những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển cụ thể của doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh cơ sở, nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá trong thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoànthời gian tới.

TS. Hoàng Quốc Lâm - Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường