Dự thảo Kinh doanh xăng dầu có vượt quá thẩm quyền của một Nghị định?

Admin

Tại Hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo vượt quá thẩm quyền của một Nghị định.

Tại Hội thảo góp ý về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/5, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Điều hành Cấp cao của Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự đã đưa ra nhiều phân tích dưới góc độ xây dựng Dự thảo Nghị định dưới góc độ pháp lý và cơ sở các luật liên quan.  

Trước đó, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng bày tỏ băn khoăn, nghi vấn về việc Dự thảo nghị định có dấu hiệu vi phạm các luật khác. 

Xem thêm: Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu vi phạm Luật Cạnh tranh?

Luật sư Lập cho rằng, về mục tiêu ban hành, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang tiếp cận theo hướng quy định toàn diện, tạo thành khung pháp luật riêng và độc lập về kinh doanh xăng dầu mà không giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu như yêu cầu của Điều 7, Luật Đầu tư 2020.  

"Tôi e rằng, việc mở rộng này vượt quá thẩm quyền điều chỉnh của một văn bản pháp luật cấp Nghị định", ông Lập nói.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, một Nghị định chỉ được ban hành nhằm quy định chi tiết các vấn đề, nội dung được luật, pháp lệnh yêu cầu, hoặc biện pháp tổ chức thi hành luật, pháp lệnh.

Kinh tế vĩ mô - Dự thảo Kinh doanh xăng dầu có vượt quá thẩm quyền của một Nghị định?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập phát biểu tại hội thảo. 

Vị Luật sư phân tích, một Nghị định có phạm vi điều chỉnh toàn diện về một lĩnh vực chỉ được ban hành khi đó là lĩnh vực mới, chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh và phải được chấp thuận bởi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu không thuộc loại này.

"Theo khung khổ pháp luật hiện hành, xăng dầu chỉ là mặt hàng thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không phải hạn chế, cấm kinh doanh hay kinh doanh độc quyền của Nhà nước. Do đó, mục đích, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải căn cứ vào Điều 7, Luật Đầu tư, tức chỉ được quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu mà không phải các vấn đề khác như nội dung Dự thảo đề cập", Luật sư Nguyễn Tiến Lập chỉ ra.

Ông Lập cho hay, trong trường hợp Nghị định quy định có tính kết hợp và tổng hợp các vấn đề thì phải căn cứ vào tất cả các luật có liên quan, tức quy định chi tiết các nội dung được các luật này yêu cầu.

"Tôi thấy có ít nhất 15 Luật có liên quan, từ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại cho tới Luật Quản lý Ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giá... Trong khi đó, Dự thảo Nghị định lại chỉ dẫn chiếu căn cứ tới 3 luật là Luật Thương mại, Luật Giá và Luật Cạnh tranh là chưa đầy đủ và không bảo đảm căn cứ ban hành", ông Lập nêu. 

Về căn cứ pháp lý, ông Lập cho rằng, nội dung Dự thảo Nghị định cũng trái với nhiều quy định cơ bản của các luật có liên quan. Đặc biệt, có nhiều quy định "can thiệp" không hợp lý vào các quan hệ thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không bảo đảm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Dự thảo Kinh doanh xăng dầu có vượt quá thẩm quyền của một Nghị định? (Hình 2).

Dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu nhận nhiều ý kiến trái chiều về các quy định liên quan.

Ông Lập ví dụ tiếp về việc trái với Luật Đầu tư. Theo đó, Điều 7, Luật Đầu tư nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng của Nhà nước khi ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư, và chỉ khi thấy cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng.

Trong khi đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tuỳ thuộc loại doanh nghiệp, phải có hệ thống phân phối gồm số lượng cụ thể nhất định thương nhân bán lẻ và cửa hàng bán lẻ, hay buộc phải có hợp đồng mua bán, phải có kho và phương tiện vận tải, quá trình kinh doanh chưa bị xử phạt...

"Rõ ràng, đó là các điều kiện tự nhiên về kỹ thuật, thương mại và thị trường mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh đều đương nhiên phải bảo đảm, không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Do đó, Nghị định quy định như vậy chỉ làm tăng thêm các thủ tục hành chính phiền hà và tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp", ông Lập nêu. 

Hay, Dự thảo Nghị định cũng trái với Luật Cạnh tranh. Tinh thần và nguyên tắc của Luật Cạnh tranh là bảo đảm cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định lại các quy định có tính phân biệt như dành nhiều quyền hơn cho thương nhân đầu mối hay các quy định có tính can thiệp và ép buộc liên quan đến quyền tự do kinh doanh. Ví dụ như thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối mà không phải nguồn khác.

Tượng tự, Dự thảo cũng có nội dung trái với Luật giá. Theo đó, xăng dầu không thuộc phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà chỉ điều tiết giá khi có biến động lớn về thị trường thông qua lựa chọn linh hoạt các biện pháp và công cụ khác nhau và thích hợp. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định cơ chế Nhà nước định giá và biện pháp can thiệp duy nhất vào thị trường là sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Hay, Dự thảo Nghị định cũng có phần không phù hợp với Luật Dự trữ quốc gia. Xăng dầu thuộc Danh mục hàng hoá được dự trữ bắt buộc theo Luật Dự trữ quốc gia. Theo đó, việc mua hàng hoá này để dự trữ bằng tiền ngân sách Nhà nước và thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại quy định quyền và trách nhiệm này thuộc về thương nhân đầu mối.

Ngoài ra, vị Luật sư cũng nhắc đến Dự thảo Nghị định quy định rất chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của từng loại doanh nghiệp. "Điều này không cần thiết bởi đã có các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Hơn nữa, nó vượt quá thẩm quyền của một nghị định vì theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, bao gồm cả doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quy định của luật do Quốc hội hay Pháp lệnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành mà không phải của Nghị định Chính phủ", ông nêu rõ.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu là vấn đề lớn, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, thổng hợp, tiếp thu những ý kiến phù hợp của các doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo", ông Chinh nói.