Tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam được tổ chức ở Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) sáng 8-8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần nhìn nhận trung thực về bức tranh thị trường du lịch những tháng đầu năm.
Theo ông, dù du lịch nội địa bùng nổ, điểm nghẽn của du lịch hiện nay là chất lượng chưa tương xứng. Các doanh nghiệp cần xác định du lịch nội địa tiếp tục là bệ đỡ cho ngành du lịch quốc tế phục hồi.
Để nhìn nhận vai trò đóng góp của du lịch nội địa vào sự phục hồi của toàn ngành cần có tư duy mới là không tính lượng khách, mà dựa trên mức chi tiêu của du khách.
Nếu trước đây, một khách quốc tế chi tiêu 1.500 USD ở Thái Lan và khoảng 1.100 USD ở Việt Nam, đến thời điểm này, chi tiêu của khách nội địa đã vượt các con số trên.
Bộ trưởng lưu ý dù vẫn kỳ vọng vào khách quốc tế nhưng các doanh nghiệp phải tính kỹ thị trường nào để khơi thông. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm của các doanh nghiệp, thị trường khách quốc tế còn phụ thuộc vào chính sách mở cửa của các quốc gia khác.
Những thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đang chưa mở cửa. Do đó, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong chiến lược để tránh tâm lý đổ thừa "chính sách chưa thông thoáng".
Diễn đàn đã thẳng thắn đặt các vấn đề nổi cộm của du lịch Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH
Tuy vậy, bộ trưởng cũng nhìn nhận vướng mắc về visa mà doanh nghiệp phản ánh, và cho biết trong cuộc họp gần đây giữa các bộ liên quan do Thủ tướng chủ trì, vấn đề visa đã được xem xét tháo gỡ.
"Trong thời gian tới, các vướng mắc này chắc chắn sẽ được khơi thông. Nhưng khi mở cửa thì phải sẵn sàng, từ nguồn nhân lực đến hạ tầng du lịch, có chất lượng sản phẩm tốt hơn, nếu không bạn bè cũng đến một lần rồi đi", bộ trưởng nói.
Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, doanh nghiệp du lịch dù đang có sự phục hồi vẫn còn nhiều khó khăn. Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp này cũng xác định chỉ đặt ra chỉ tiêu bằng 45-50% so với trước dịch do du lịch quốc tế chưa thể hồi phục ngay.
"Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang tập trung tái đào tạo, củng cố chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ du khách trong nước và quốc tế, đào tạo mới song song với đào tạo lại.
Doanh nghiệp cũng xác định phát triển sản phẩm mới, tăng tính trải nghiệm, gia tăng cảm xúc của du khách nội địa, quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, ngành du lịch trong và ngoài hệ thống, tại TP.HCM và các tỉnh, thành, địa phương, thúc đẩy du lịch MICE và kết hợp với các nền tảng công nghệ số", ông Tài nói thêm.
Cũng tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất các ý kiến giúp khơi thông được nguồn khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm.
Ông Phùng Quang Thắng, chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đã có đề xuất về định hướng thị trường khách, sản phẩm mới và xúc tiến số cho du lịch Việt Nam để tăng nguồn khách du lịch quốc tế cho Việt Nam.
"Thị trường quốc tế thay đổi rất nhiều, vì vậy các doanh nghiệp cũng rất cần định hướng thị trường mới từ cơ quan quản lý không chỉ trước mắt mà những năm tiếp theo. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cần nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn, độc đáo hơn", ông Thắng nêu ý kiến.