Tại tỉnh Ninh Thuận, hàng loạt turbin điện gió trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng/turbin vẫn bất động dù đã sẵn sàng hòa lưới. Đáng nói, nguy cơ thiếu điện hiện hữu ở chính thủ phủ điện tái tạo, nhất là trong cao điểm mùa khô hiện nay.
Im lìm nhiều năm
Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng với tốc độ gió trung bình ở độ cao 6,5 m đạt 9,6 m/giây, thổi đều quanh năm. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo đã biến Ninh Thuận trở thành nơi tập trung nhiều dự án điện sạch. Tuy nhiên, đi dọc Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Thuận Bắc, phóng viên ghi nhận hàng chục trụ điện gió phơi nắng phơi sương và không thể phát điện lên lưới điện quốc gia.
Theo tìm hiểu, khu vực này là nơi triển khai dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram của Công ty CP Điện gió Hanbaram với công suất 117 MW. Khởi công từ tháng 10-2020, dự án hoàn thành lắp đặt 29 trụ điện gió, đường dây và trạm biến áp vào tháng 10-2021. Nhưng đến nay mới có 6/29 trụ điện được vận hành thương mại với giá ưu đãi (FIT) theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tương đương 24 MW. Các trụ điện còn lại không thể hòa lưới do không đạt được thỏa thuận bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Ninh Thuận có 46 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 3.079 MW đã hoàn thành xây dựng. Trong đó, mới có 2.831 MW được công nhận vận hành thương mại, phát điện lên lưới điện quốc gia. Chưa kể, ngay cả những dự án được phát lên lưới cũng bị cắt giảm công suất khiến nhà đầu tư "lãnh đủ" chi phí vốn vay, đầu tư xây dựng, vận hành.
Để giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư dự án điện tái tạo chưa kịp đưa vào vận hành trước ngày 1-11-2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị EVN sớm có hướng dẫn đàm phán khung giá phát điện đối với dự án chuyển tiếp; điều phối, huy động tối đa công suất phát điện để tránh gây lãng phí, hỗ trợ về nguồn lực trong điều kiện nhiều nơi còn xảy ra thiếu điện. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị trung ương nghiên cứu, phân cấp cho các địa phương thẩm quyền chuyển đổi đất rừng sang đất khác để thực hiện dự án hạ tầng truyền tải điện.
Điện mái nhà 0 đồng: Nhiều băn khoăn
Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đối mặt nguy cơ căng thẳng nguồn điện trong cao điểm nắng nóng, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản - tự tiêu mà Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Cơ chế này đã được mong chờ từ năm 2021 đến nay - sau khi Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực. Thời điểm đó, EVN thông báo dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31-12-2020.
Với dự thảo lần này, người dân, tổ chức có nhu cầu đầu tư ĐMTMN có nhiều băn khoăn, nhất là quy định điện mặt trời dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng. Ông Trần Trung Đức (ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết gia đình ông từng tìm hiểu để đầu tư hệ thống ĐMTMN nhưng còn e ngại vì cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, thiếu ổn định. Ông Đức tính toán: Lắp đặt một hệ thống ĐMTMN của hộ dân với công suất 5 KW, tích hợp thiết bị lưu trữ 5 KWh có chi phí khoảng 80 - 90 triệu đồng. Nếu pin lưu trữ 10 KWh thì tổng chi phí xấp xỉ 150 triệu đồng. Với phần điện dư thừa, nếu không bán lại được cho EVN thì việc đầu tư không hiệu quả.
Theo Bộ Công Thương, phát triển ĐMTMN nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản - tự tiêu và đưa ra quyền lựa chọn cho khách hàng nối lưới hoặc không nối lưới.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết mỗi chính sách đều có tính hai mặt và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ở thời điểm ban hành. Đối với những nguồn ĐMTMN có nối lưới, chỉ nên khuyến khích tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích phát vào hệ thống. "ĐMTMN phát vào hệ thống không những không phù hợp tiêu chí tự sản - tự tiêu mà còn gây phát sinh chi phí cho vận hành hệ thống điện" - ông Hòa nhấn mạnh.
Cục trưởng Trần Việt Hòa cho biết tính phân tán là hạn chế của ĐMTMN nên khả năng thu thập dữ liệu, điều khiển phục vụ công tác vận hành hệ thống điện rất khó khăn. Để có thể cân bằng công suất hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều độ phải có hệ thống thu thập dữ liệu công suất từ tất cả các nguồn điện.
Điều này chỉ có thể thực hiện được với các nguồn ĐMTMN quy mô đủ lớn, ví dụ ĐMTMN tại các KCN, công xưởng lớn. Còn đối với nguồn ĐMTMN quy mô nhỏ ở cấp hộ gia đình thì không thể thực hiện được; cơ quan điều độ sẽ chỉ có thể đánh giá, dự báo công suất này. "Việc thu thập dữ liệu, dự báo cần hệ thống linh hoạt và tốn thêm chi phí vận hành" - ông Hòa giải thích.
Nhiều dự án dính sai phạm
Tại Đắk Nông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây yêu cầu tỉnh cung cấp hồ sơ liên quan 6 dự án điện gió mà trước đó Thanh tra Chính phủ đã kết luận có nhiều sai phạm.
Ngày 2-5, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết các đơn vị đang tổng hợp hồ sơ, tài liệu để tham mưu, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương. UBND tỉnh cũng đã giao các sở, ngành cung cấp hồ sơ các dự án này.
Trong đó, Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 (huyện Đắk Song) có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đã hoàn thành vào tháng 10-2021 nhưng tại thời điểm thử nghiệm vận hành thương mại (COD), tốc độ gió thấp, thời gian ngắn dẫn đến chưa được công nhận theo cơ chế giá FIT. Nhà máy Điện gió Đắk N'Drung 1 (huyện Đắk Song) - tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng - mới xây dựng được 4/25 trụ turbin. Trong khi đó, cũng ở huyện Đắk Song, Nhà máy Điện gió Đắk N'Drung 2 xây dựng được 21/28 trụ turbin, Nhà máy Điện gió Đắk N'Drung 3 xây dựng được 23/28 trụ turbin. Riêng Nhà máy Điện gió Asia Đắk Song 1 - vốn đầu tư gần 1.700 tỉ đồng - chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nên chưa thể triển khai.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tháng 2-2024, sau khi các chủ đầu tư có văn bản đề nghị cho tiếp tục thực hiện đối với những dự án điện gió cấp bách, UBND tỉnh đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
C.Nguyên