Diện mạo mới cho bờ Đông sông Sài Gòn

Admin

Cải tạo, chỉnh trang không gian bờ Đông sông Sài Gòn được kỳ vọng tạo hình ảnh đô thị khu vực trung tâm thành phố hiện đại, tạo điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn cho người dân

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp nghe báo cáo về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang không gian bờ Đông sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Theo kết luận này, UBND thành phố thống nhất đề xuất cải tạo, chỉnh trang bờ Đông sông Sài Gòn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT).

Thay đổi diện mạo cho bờ Đông

Gần 16 giờ ngày 6-10, nhiều hàng quán dưới chân cầu Ba Son (TP Thủ Đức) đã bày biện bàn ghế dọc bờ kè sông Sài Gòn. Đây là khu vực có "view sông" lý tưởng để vừa đón gió sông vừa nhìn sang trung tâm quận 1 lung linh về đêm. Chạy theo con đường ven bờ Đông sông Sài Gòn lởm chởm đá dăm về phía nóc hầm Thủ Thiêm, bên phải là một cầu tàu nhỏ, tiếp đến là dải đất trống dọc sông, giữa khu đất cắm biển báo "Khu vực đất do nhà nước quản lý. Cấm lấn chiếm, tụ tập, buôn bán, xả rác, thả diều". 

Kết thúc đoạn đường rộng là một con đường nhỏ chạy thẳng về hướng nhà thờ Thủ Thiêm, giáp sông là dải đất rộng, cỏ mọc um tùm. Con đường ven sông Sài Gòn trong khu đô thị mới Thủ Thiêm bị "thắt cổ chai" khu vực này tầm hơn 200 m. Nằm khuất trong đó là khu vực cầu cũ ở bến phà Thủ Thiêm trước đây.

Theo Sở QH-KT TP HCM, khu vực bờ Đông sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; hiện trạng cảnh quan và môi trường tự nhiên khu vực còn nhếch nhác, ô nhiễm do rác thải và khói bụi từ các công trình xây dựng. Hiện trạng này đã ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực trung tâm thành phố, trực tiếp là khu vực bến Bạch Đằng, phía bờ Tây sông Sài Gòn.

Diện mạo mới cho bờ Đông sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Bờ Đông sông Sài Gòn thuộc phạm vi dự kiến được cải tạo, chỉnh trang

Để cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị khu vực trung tâm thành phố trong thời gian chờ triển khai xây dựng công viên ven sông theo quy hoạch được duyệt, Sở QH-KT đề xuất ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang như nói trên, với nhiều hạng mục xanh, kết nối dòng sông.

Cụ thể, Sở QH-KT đề xuất phát quang, làm sạch bờ sông toàn tuyến từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, dài hơn 800 m, chiều rộng trung bình khoảng 50 m; lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh tại các bãi bồi, khu vực bán ngập; cải tạo, nâng cấp cầu tàu hiện hữu để tạo không gian giao tiếp giữa dòng sông và bờ sông. 

Bên cạnh đó là tận dụng rào chắn công trình xây dựng đường ven sông kết hợp với cây xanh (tre, trúc) tạo tường xanh dọc bờ sông ở khu vực trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm (200 m) để tạo vách ngăn giữa không gian bờ sông và các dự án, công trình đang và chuẩn bị thi công.

Cũng tại khu vực này, bố trí hệ thống màn hình LED phục vụ cổ động, tuyên truyền để tạo hình ảnh sống động, ánh sáng vào ban đêm kết hợp che chắn công trình đang xây dựng; đồng thời tăng cường một số hạng mục công trình trang trí để tạo điểm nhìn hấp dẫn, hiệu ứng hình trên mặt nước vào ban đêm từ phía bờ Tây. 

Thành phố còn tận dụng cầu cũ gần nóc hầm Thủ Thiêm thành lối đi bộ, điểm check-in; phát triển các dịch vụ lưu động (trên xe chuyên dùng, mái che di động) tại bãi đất trống khoảng 3.500 m2 tiếp giáp với cầu Ba Son để phục vụ nhu cầu của người dân.

Người dân đồng tình

Sở QH-KT khẳng định việc cải tạo, chỉnh trang sẽ nâng cao giá trị cảnh quan dòng sông đoạn qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo hình ảnh đô thị khu vực trung tâm thành phố văn minh, hiện đại, có tầm nhìn sống động từ phía bờ Tây sông Sài Gòn. Đồng thời, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tạo không gian xanh, thoáng đãng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Bờ Đông sông Sài Gòn nhếch nhác, TP HCM muốn chỉnh trang

Thực tế cho thấy hiện nay, hai bờ sông Sài Gòn phát triển không đồng đều dẫn đến có sự tương phản lớn với sự sầm uất của bờ sông phía trung tâm thành phố (quận 1, quận Bình Thạnh) và những bãi lầy, hoang vu ở phía TP Thủ Đức. 

Tương tự là sự xập xệ của phía bờ sông Thanh Đa - Bình Quới với các khu vực xung quanh... Điều này làm mất đi hình ảnh xinh đẹp của dòng sông này, làm giảm những giá trị hữu hình và vô hình mà con sông mang lại. Sẽ rất mất điểm trong mắt khách du lịch nước ngoài nếu đi trên con tàu du thuyền và nhìn thấy những hình ảnh không đẹp của dòng sông.

Chính vì vậy, việc UBND TP HCM thống nhất chủ trương, kế hoạch chỉnh trang bờ Đông sông Sài Gòn nhận được sự đồng tình cao của giới chuyên gia và người dân.

Anh Phạm Hữu Hậu (ngụ phường 7, quận Phú Nhuận) cho rằng ngoài bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên 30-4... thì ở khu vực trung tâm thành phố chưa có nhiều điểm tham quan, vui chơi cho du khách và người dân. 

Do đó, việc mở rộng không gian sang bờ Đông sông Sài Gòn là rất cần thiết, có thể giúp thành phố tạo thêm điểm nhấn về du lịch. "Theo tôi, cần tổ chức thêm các hoạt động thể thao dưới nước, tạo thêm sản phẩm du lịch gắn với sông Sài Gòn để người dân thành phố, du khách hiểu hơn về sông Sài Gòn" - anh Hậu góp ý.

Ông Phạm Khánh Hiệp (ngụ phường 27, quận Bình Thạnh) cũng nhất trí với việc mở rộng không gian ven sông Sài Gòn bởi con sông này là một tài sản vô giá của TP HCM. Ông Hiệp nói: "Dòng sông uốn lượn này đã góp phần tạo nên một đô thị sông nước với những đặc trưng rất riêng có của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn; một nét đặc trưng trên bến dưới thuyền đã có từ hơn 300 năm qua. Tôi rất mong thành phố sớm cụ thể hóa kế hoạch chỉnh trang, cải tạo để sông Sài Gòn phát huy tốt nhất giá trị của nó". 

Phấn đấu hoàn thành trước Tết dương lịch 2024

Tại kết luận về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang không gian bờ Đông sông Sài Gòn, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đề nghị các đơn vị nghiên cứu bố trí một khu vực không gian công cộng để phục vụ người dân và du khách dừng chân, ngồi, ngắm cảnh; bố trí đường dạo bộ dọc sông.

Đồng thời nghiên cứu phương án chiếu sáng công cộng, chiếu sáng mỹ thuật; tính toán phương án tiếp cận giao thông, có lối cho người đi bộ, đi xe đạp và bố trí bãi đậu xe; bố trí nhà vệ sinh công cộng; thùng rác công cộng... Ngoài ra, kết hợp với Bộ Tư lệnh thành phố để bố trí khu vực phục vụ hoạt động bắn pháo hoa.

Ông Bùi Xuân Cường giao Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phân công, lộ trình cụ thể để thống nhất, đồng bộ triển khai các công việc, phấn đấu hoàn thành trước dịp Tết dương lịch 2024.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM:

Thành điểm sáng về môi trường, văn hóa

Khai thác sông Sài Gòn về mặt mỹ quan, môi trường là nét văn hóa mới của thành phố, tạo ra không gian cho người dân thành phố vui chơi cuối tuần mà không phải đi xa. Trong bối cảnh thành phố chưa thể xây dựng công viên lớn theo quy hoạch để tạo diện mạo mới cho khu đô thị mới Thủ Thiêm, thêm điểm vui chơi, giải trí cho người dân thì việc chỉnh trang này là điều đáng mừng, đáp ứng mong mỏi của người dân thành phố.

Phải biến bờ Đông thành không gian công cộng để ai cũng có thể đến. Đây là điểm sáng cả về môi trường, văn hóa và nằm trong khả năng của thành phố. Thành phố đã thống nhất kế hoạch thì các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai ngay để hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch đã đề ra.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM:

Cần nhân rộng mô hình dọc sông Sài Gòn

Trong khi chờ đợi hoàn thiện các công trình lớn như công viên ven sông, quảng trường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm... thì việc chỉnh trang khu vực bờ Đông sông Sài Gòn là rất tốt, giúp người dân có thêm điểm vui chơi, giải trí.

Thành phố cần nhân rộng mô hình này dọc sông Sài Gòn, ở nơi đủ điều kiện để cải tạo cảnh quan đô thị vì dọc sông còn nhiều nơi nhếch nhác. Việc thiết kế cảnh quan kiến trúc nơi đây không được chỏi với định hướng lâu dài và phải tiết kiệm vì đây là những công trình tạm thời.

Trước mắt, thành phố chỉnh trang khu vực này như một công viên để phục vụ người dân và tăng mỹ quan đô thị bờ Đông; đồng thời sớm hoàn thiện đường ven sông qua khu vực này. Khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh thì sẽ có công viên tốt hơn, kết nối giao thông tốt hơn phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.

Q.Bảo ghi