Điểm lại những thương vụ mua bán dự án, doanh nghiệp bất động sản triệu USD của VinaCapital

Admin

Trong lĩnh vực bất động sản, VinaCapital đánh dấu tên tuổi bằng không ít những thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp, dự án bất động sản hàng triệu USD.

VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư lâu năm và có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trên lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản.

Chỉ riêng trong lĩnh vực bất động sản, VinaCapital "đánh dấu" tên tuổi bằng không ít những thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp, dự án bất động sản lên tới hàng triệu USD.

Dự án Vina Square

Đầu tiên phải kể đến dự án "đất vàng" 152 Trần Phú (quận 5, TP.HCM).

Khu đất này trước là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (100% vốn thuộc Vinataba).

Năm 2008, Công ty TNHH Vina Alliance chính thức được thành lập khi Vinataba và một số đơn vị thành viên quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại Vina Square trên chính khu đất 152 Trần Phú, cùng các đối tác khác.

6 cái tên tham gia sáng lập của Vina Alliance gồm: Vinataba, Vinataba Sài Gòn, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Vi Na Ta Ba, Công ty TNHH Đô Thành Việt, Công ty CP Xây dựng Thương mại Căn Nhà Mơ Ước và Công ty TNHH Pacific Alliance Land Limited (thuộc quỹ đầu tư Vinaland Ltd, thành viên của Vina Capital).

Điểm lại những thương vụ mua bán dự án, doanh nghiệp bất động sản triệu USD của VinaCapital- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Vina Square 152 Trần Phú.

Theo đăng ký doanh nghiệp thời điểm cuối tháng 6/2016, Vina Alliance có vốn điều lệ 880 tỷ đồng (tương ứng 55 triệu USD), tuy nhiên, danh sách cổ đông lúc này chỉ còn 4 pháp nhân là: Pacific Alliance Land Limited (62%), Công ty TNHH Sơn Đông (10,5%) và Vinataba (20%), Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (7,5%).

Với mức độ sở hữu lên tới 62%, VinaCapital trở thành kẻ “cầm cơ” tại dự án VinaSquare trong khi Vinataba mới là pháp nhân quyết định cho sự ra đời của dự án này.

Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, thành viên của VinaCapital thoái 62% vốn tại Vina Alliance cho Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức. Tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông còn lại không thay đổi.

Theo bản tin được Sở Giao dịch Chứng khoán London (www.londonstockexchange.com) đăng tải ngày 7/9/2017, thương vụ chuyển nhượng giữa Trí Đức và Vinaland Ltd có giá trị 41,2 triệu USD. Sau khi hoàn trả các khoản vay của cổ đông, quỹ thành viên của Vina Capital thu được 41 triệu USD từ thương vụ này.

Thương vụ mua cổ phần của An Dương Thảo Điền

Năm 2017, sau khi thoái vốn tại chủ đầu tư dự án Vina Square, VinCapital gây bất ngờ với giới đầu tư khi quyết định mua 11% cổ phần tại CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (MCK: HAR, sàn HoSE)- một cái tên rất nhỏ trong thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm đó.

Chia sẻ về quyết định đầu tư này với báo chí, ông Trần Văn Mẫn - Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital cho biết, kể từ sau ĐHĐCĐ 2017, việc tái cấu trúc toàn diện đã giúp bộ máy của HAR vận hành trơn tru hơn, đường lối phát triển cũng đã có sự cải thiện đáng kể.

Chủ thương hiệu "Xà bông Cô Ba" đã dần chuyển sang mô hình chuyên thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp tốt, nhiều quỹ đất vàng để phục vụ cho sự phát triển trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.

Rót 11 triệu USD vào Tasco

Cũng trong năm 2017, một thương vụ thâu tóm doanh nghiệp, dự án bất động sản của VinaCapital không thể không nhắc tới là việc các quỹ thành viên VinaCapital đầu tư 11 triệu USD vào Công ty CP Tasco (MCK: HUT)- "ông trùm" BOT ở Việt Nam.

Tasco đã thu về 23 triệu USD từ đợt phát hành riêng lẻ lượng cổ phiếu tương đương 21% cổ phần sau phát hành cho một số nhà đầu tư. Trong đó, Vietnam Opportunity Fund (VOF)- một quỹ đóng do Tập đoàn VinaCapital quản lý mua lượng cổ phiếu lớn nhất với giá trị đầu tư 11 triệu USD.

Dự án Hoa Sen Đại Phước

Năm 2017 có thể coi là năm hoạt động sôi nổi của VinaCapital khi ngoài những thương vụ thâu tóm nói trên, quỹ đầu tư này tiếp tục thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp tại doanh nghiệp sở hữu Dự án Hoa Sen Đại Phước (nay là SwanBay Đại Phước) thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại Cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, năm 2017, VinaCapital đã chuyển nhượng 70% vốn góp tại CTCP Vina Đại Phước lại cho tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp ở Trung Quốc là China Fortune Land Development (CFLD).

Thương vụ được công bố có giá trị hơn 65 triệu USD, tương đương 1.480 tỷ đồng tại thời điểm đó.

Vina Đại Phước được biết đến là chủ đầu tư dự án Hoa Sen Đại Phước; do Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, khi đó còn là doanh nghiệp nhà nước) và Quỹ đầu tư VinaCapital (thông qua hai quỹ thành viên) đã cùng góp vốn để thành lập hồi năm 2007.

ăm 2007, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG, khi đó còn là doanh nghiệp nhà nước) và Quỹ đầu tư VinaCapital (thông qua hai quỹ thành viên) đã cùng góp vốn để thành lập Vina Đại Phước, qua đó triển khai dự án Đại Phước Lotus.

Dự án "đất vàng" Times Square Hà Nội

Điểm lại những thương vụ mua bán dự án, doanh nghiệp bất động sản triệu USD của VinaCapital- Ảnh 2.

Times Square sở hữu “đất vàng” đắc địa khu vực quận Nam Từ Liêm.

Dự án Times Square ban đầu được phát triển bởi Công ty TNHH Thăng Long Property- liên doanh giữa VinaCapital và Công ty Thăng Long GTC (một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội).

Trong đó Thăng Long GTC nắm 35% (tại thời điểm 30/9/2014) góp bằng giá trị quyền sử dụng đất 4ha trong 17 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư (1,6 triệu USD), còn VinaCapital nắm 65% thông qua góp bằng tiền mặt.

Dự án bao gồm một khu đất có diện tích 40.000m2 liền kề Trung tâm mua sắm Big C Thăng Long và đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Tuy nhiên, giữa năm 2017, VinaLand thuộc VinaCapital công bố rút khỏi dự án sở hữu “đất vàng” hiếm hoi ở khu vực quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Thăng Long Property cho Công ty Elite Capital Resources Limited.

Theo thông tin từ VinaLand, thương vụ thoái vốn này đã đem về cho VNL khoản doanh thu thuần là 41 triệu USD (tương đương 930 tỷ đồng), tương ứng mức lãi 5,3%.