Điểm đặc biệt của bến cảng được đầu tư gần 1.700 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế

Admin

Bến cảng này được đầu tư xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển loại I. Trong đó, khu bến Chân Mây phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận. Cụm cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, thuộc vùng kinh tế Trọng điểm Miền Trung Việt Nam.

Đây cũng được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất với hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, kết nối với các nước châu Á và thế giới.

Năm 2023, khu vực bến cảng Chân Mây đã vận hành 3 bến cảng, với tổng lượng hàng hóa được xử lý đạt 4,5 triệu tấn cùng với 68.700 lượt khách qua cảng. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50%, khai thác 6 triệu tấn/năm. Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025, cảng Chân Mây phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn.

Điểm đặc biệt của bến cảng được đầu tư gần 1.700 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 1.

Khu vực bến cảng Chân Mây.

Theo quy hoạch chi tiết đang được trình phê duyệt, khu bến Chân Mây đến năm 2030 gồm từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 m đến 3.231 m, năng lực thông qua từ 16,1 triệu tấn đến 23 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách.

Sở hữu vị trí đắc địa hiếm có, Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây của Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 161/QĐ-KKTCN ngày 06/10/2022.

Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico là hãng tàu được thành lập từ năm 2008 với bề dày lịch sử lâu đời trong vận chuyển container tại Việt Nam. 

Với hệ sinh thái sẵn có, Vsico triển khai khai thác và kết nối giữa cảng cạn cửa khẩu và cảng biển Miền Trung đồng bộ, hiện đại, công suất lớn; vận hành hệ thống kho chung, kho tiêu chuẩn nằm tại các vị trí huyết mạch về giao thông ở nhiều tỉnh thành trên cả nước; cung cấp các dịch vụ đại lý, giao nhận và logistic; thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.

Điểm đặc biệt của bến cảng được đầu tư gần 1.700 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico được giao là chủ đầu tư dự án.

Bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây là dự án đầu tư ngoài ngân sách có tổng vốn đầu tư 1.678,7 tỷ đồng. Quy mô đầu tư xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container, chiều dài mỗi cầu cảng 270 m; đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Sau khi hoàn thành bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng lên 1.450m cùng với việc hoàn thành giai đoạn 2 đê chắn sóng cảng Chân Mây dài 750m sẽ đảm bảo điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm kể cả mùa mưa.

Cảng Vsico Huế sở hữu hệ thống băng tải kín với chiều dài 1,2km cùng thiết bị hút rót với công suất xuất 2.000 tấn hàng/giờ và nhập 1.000 tấn hàng/giờ tại bến hàng rời. Bến container được đầu tư hệ thống cẩu hiện đại với công suất xếp dỡ container lên tới 60 container/giờ. Hệ thống kho bãi rộng lớn được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao, được áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tạo điều kiện bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển phù hợp với từng loại hàng hóa.

CTCP Hàng hải Vsico đặt mục tiêu đến quý 2/2025 sẽ đưa vào hoạt động bến số 4, và đầu năm 2026 đi vào hoạt động bến số 5, sản lượng thông qua cảng dự kiến 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm. Với các tàu container, sản lượng thông qua cảng dự kiến 80.000 đến 100.000 TEUS mỗi năm.