Đắk Lắk kỳ vọng vươn dậy cùng “năm Rồng”

Admin

Với Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/2023, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tỉnh hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, hiện thực hóa khát vọng đưa kinh tế Đắk Lắk vào nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước vào năm 2050.

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, năm 2030 tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; thành phố Buôn Ma thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm thời kỳ 2021 - 2030 là 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt hơn 130 triệu đồng. Những chỉ tiêu này được xác định là phù hợp trên cơ sở tham vấn ý kiến từ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bộ ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thể hiện được kết quả của trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Thứ hai, có thể nói quy hoạch tỉnh Đắk Lắk lần này được tổ chức thận trọng, chặt chẽ, bám vào các định hướng của đất nước, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và quốc gia, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở đó khai thác tốt các tiềm năng lợi thế và dự báo khó khăn thách thức trong thời gian đến. Từ đó đề ra nhiệm vụ giải pháp để có các giải pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác quy hoạch”.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Vươn lên trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.

Đắk Lắk kỳ vọng vươn dậy cùng “năm Rồng”- Ảnh 1.

Thành phố Buôn Ma Thuột phấn đấu trở thành "Thành phố cà phê của thế giới"

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột theo chủ trương của Thủ tướng đã cho phép. Đồng thời tiến hành thực hiện theo Nghị quyết 07 của Thủ tướng về áp dụng cơ chế đặc thù đối với TP Buôn Ma Thuột ở một số dự án, công trình quan trọng đã báo cáo UBND tỉnh để trình Uỷ ban thường vụ Tỉnh ủy, từ đó sẽ triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Thứ 2, căn cứ vào quy hoạch chung, thành phố sẽ lập danh mục đầu tư để báo cáo tỉnh đưa vào danh mục đầu tư trên địa bàn thành phố sẽ có tăng cường quản lý đất đai xây dựng để quản lý tốt các nội dung đã được phê duyệt trong quy hoạch. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các đơn vị tổ chức thực hiện quy hoạch sau này”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, những mục tiêu và tầm nhìn dài hạn trong Quy hoạch của tỉnh là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý vững chắc mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững. Để sẵn sàng đón đầu những cơ hội, tỉnh đã đề 4 nhiệm vụ trọng tâm đó là: cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; phát triển mạng lưới đô thị; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh; và 5 đột phá gồm: cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; kết nối hệ thống giao thông; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

“Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đã mở ra những cơ hội phát triển mới với định hình các giá trị mới cho tỉnh. Trên cơ sở quản lý hợp lý hiệu quả các nguồn lực đất đai tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước cho mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, kịp thời nắm bắt các cơ hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số đưa Đắk Lắk phát triển nhanh bền vững hội nhập và vươn lên vị thế mới”, ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết.

Đắk Lắk kỳ vọng vươn dậy cùng “năm Rồng”- Ảnh 2.

Năm 2050, Đắk Lắk phấn đấu vươn lên trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh đối ngoại với cả nước. Trong đó, Đắk Lắk được xem là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Tại hội nghị công bố quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk mới đây, một lần nữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đắk Lắk có vị trí đặc biệt quan trọng, giàu tiềm năng, có bản sắc văn hoá đa dạng. Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk là một bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: “Nhiệm vụ đầu tiên của nhiệm vụ kế hoạch đó là việc sẽ cùng các địa phương khác của Tây Nguyên rà soát lại quy hoạch vùng Tây Nguyên, điều này hết sức quan trọng,  bởi sẽ thấy diện mạo của Đắk Lắk trong mối liên kết giữa các vùng. Thấy được vị trí trung tâm của Đắk Lắk trong mối liên kết với các tiểu vùng ở Tây Nguyên, với các vùng lớn khác như Duyên hải miền trung, Đông Nam bộ hoặc là quốc tế như Campuchia và các nước Đông Nam Á khác. Cùng với sự phát triển của kết cấu vùng và tiểu vùng, tôi cho rằng, sẽ tạo ra một Tây Nguyên có tiềm năng nổi bật lên rất nhanh”.

Có thể nói, việc xác định, nắm bắt và tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế cùng với quy hoạch tổng thể chung của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực tạo sự bứt phá từ “năm Rồng 2024” đưa kinh tế xã hội của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững trên chặng đường mới.