Đã tốn 15.000 tỷ chuyển đổi số song mới chỉ đi ½ hành trình, cựu sếp IT Mekong Capital, Techcombank chia sẻ “tip” giúp DN cắt gọn chi phí và thời gian gia nhập “cuộc chơi” số hoá

Admin

Từng là “thuyền trưởng” các chiến dịch chuyển đổi số trong danh mục đầu tư của Mekong Capital, đồng thời là người có công đưa thương hiệu Precita nổi trội chỉ trong thời gian ngắn tái cấu trúc những năm 2019-2020, ông Chris Shayan vừa có những chia sẻ về kinh nghiệm số hoá cho DN.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, không tiến lên chính là đang tụt hậu. Do đó, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế, những năm qua, Việt Nam chứng kiến quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt mảng bán lẻ. Minh chứng là sự bùng nổ của TMĐT và nhiều loại hình kinh doanh số mới (Shoppertainment…), kéo theo loạt lĩnh vực thanh toán số, ngân hàng số, tài chính số, đầu tư số… cũng trỗi dậy mạnh mẽ.

Quyết liệt là vậy, song số DN chuyển đổi số thành công hiện vẫn còn rất ít; trong khi số lượng loay hoay chưa biết bắt đầu từ đầu thì rất nhiều. Đây là bài toán lớn cho cả nhà chức trách lẫn DN, trong bối cảnh loạt biến động liên tục diễn ra hậu Covid-19, và hiện hữu là căng thẳng Biển đỏ, giá cước tăng cao, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lần nữa…

Từng là “thuyền trưởng” các chiến dịch chuyển đổi số trong danh mục đầu tư của Mekong Capital, đồng thời là người có công đưa thương hiệu Precita nổi trội chỉ trong thời gian ngắn tái cấu trúc những năm 2019-2020, ông Chris Shayan vừa có những chia sẻ về kinh nghiệm số hoá cho DN.

Với vai trò Giám đốc Kinh Doanh Công nghệ, ông Chris Shayan chịu trách nhiệm làm việc với các công ty trong danh mục đầu tư của Mekong Capial để đảm bảo các công ty tăng trưởng và phát triển, dựa trên sản phẩm cũng như cơ sở công nghệ và marketing kỹ thuật số phù hợp. Ông Chris Shayan cũng tham gia vào việc tối ưu hóa giá thành, thử nghiệm mới và cải thiện chỉ số tăng trưởng của các công ty, đồng thời là thành viên Ban Lãnh đạo và Ban Cố vấn Đầu tư nội bộ của Mekong Capital.

Trước khi gia nhập Mekong Capital, Chris Shayan đã làm chủ nhiều DN, là CTO trong một số ngành bao gồm TMĐT và Vận tải. Sau Mekong Capital, ông từng đầu quân cho Techcombank và hiện là Giám đốc kỹ thuật số tại HDBank.

Theo ông, tính trên quy mô toàn cầu, các DN đã đầu tư 1.850 tỷ USD vào các sáng kiến chuyển đổi số trong năm 2022. Với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16,3%, chi tiêu cho chuyển đổi số dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2026.

Tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo con số cụ thể cho công cuộc chuyển đổi số. Trong chia sẻ gần nhất, Cục chuyển đổi số Quốc gia ghi nhận mức chi trung bình của thế giới là khoảng 2 - 3% tổng chi và Việt Nam là chỉ khoảng 0,3% tổng chi . Cục cũng khuyến nghị mức chi với mỗi DN tối thiểu nên là 10% tổng chi hàng năm cho chuyển đổi số để đảm bảo hiệu quả.

Riêng lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì tính đến cuối năm 2022 tổng đầu tư cho chuyển đổi số đã hơn 15 .000 tỷ đồng. Đó là con số không hề nhỏ, song theo ông Chris Shayan, các nhà băng Việt chỉ mới đi được nửa chặng đường chuyển đổi số hoàn thiện.

Vị này cho hay, theo McKinsey chuyển đổi số được chia thành 3 giai đoạn gồm định hình giá trị, khởi động và tăng tốc, mở rộng quy mô. Có một số ngân hàng đã sớm áp dụng chuyển đổi số và đang trong thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn thứ hai sang giai đoạn thứ ba. Tuy nhiên, tôi nghĩ đa số các ngân hàng hiện nay đang ở giai đoạn một hoặc giai đoạn hai ”, ông Chris Shayan nói.

Để tối ưu hóa chi phí trong thời đại kinh doanh số đòi hỏi DN phải nhìn xa hơn là chỉ tập trung vào IT, phải đưa chi phí kinh doanh vào trong từng sáng kiến. Theo ông Chris Shayan, số hóa không đơn thuần là một chiến lược một khối/nguyên khối. Đội ngũ vận hành phải định hình tham vọng số của họ rõ ràng để thiết lập chiến lược, xác định loại hình và kết quả kinh doanh mong muốn. Đây là yếu tố quyết định các ưu tiên đầu tư cũng như tiến độ thực hiện những sáng kiến số.

Nhớ lại năm 2016, ông cho biết đội ngũ quản lý của Precita muốn thiết lập hệ thống điểm bán hàng mới và ra mắt nền tảng thương mại điện tử tích hợp toàn diện với cửa hàng và kho. Nhưng vấn đề lớn ở đây là đội ngũ Precita đã quen với ‘mô hình thác nước’. Mô hình này đòi hỏi 6 tháng họp hành và lên kế hoạch trước khi hệ thống mới có thể đi vào hoạt động và thêm 6-12 tháng nữa để sửa lỗi hệ thống.

“Công việc của chúng tôi là giải quyết vấn đề này, vì vậy CEO của Precita và tôi đã thành lập một nhóm đa chức năng chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Nhóm mới này sử dụng phương pháp Agile, thường xuyên gặp nhau và làm việc theo ‘sprint’. Sprint ở đây là khoảng thời gian định kỳ dành riêng để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể. Nhóm mới đã triển khai hệ thống mới theo từng giai đoạn thay vì ra mắt cùng lúc ” , ông Chris Shayan kể.

Kết quả, Precita có thể chuyển tất cả các cửa hàng sang hệ thống điểm bán hàng mới chỉ trong 3 tuần. Công ty đã ra mắt nền tảng TMĐT tích hợp toàn diện chỉ trong vòng 1 tháng và hoàn thành cung cấp toàn bộ hệ thống số trong 6 tháng.

Agile được biết đến là một phương pháp tiến cận dự án tập trung vào sự linh hoạt, cải thiện liên tục và nhanh chóng. “ Sử dụng Agile, các DN trong danh mục đầu tư của chúng tôi có thể tối ưu hóa tốt hơn các KPI quan trọng nhất về mặt chiến lược. Agile không phải là về việc bạn có bao nhiêu ý tưởng hay bạn có bao nhiêu người trong tổ chức của mình. Đó là về việc bạn có thể thu thập dữ liệu để ra quyết định nhanh như thế nào”, ông nhấn mạnh.

Đã tốn 15.000 tỷ chuyển đổi số song mới chỉ đi ½ hành trình, cựu sếp IT Mekong Capital, Techcombank chia sẻ “tip” giúp DN cắt gọn chi phí và thời gian gia nhập “cuộc chơi” số hoá- Ảnh 1.

Trong khi, dữ liệu trong chuyển đổi số cực kỳ quan trọng, điểm mấu chốt ở chỗ quản lý dữ liệu ra sao. Nhiều DN, thậm chí nhiều bộ phận trong cùng một DN đã và đang giữ kín dữ liệu khách hàng của riêng mình. Do đó, theo ông Chris Shayan, bộ phận kỹ thuật phải xem xét quản lý dữ liệu tổng thể; nền tảng dữ liệu, quản lý quyền truy cập và nhận diện khách hàng cũng như các giải pháp quản lý ưu tiên để tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng.

Còn về chiến lược tối ưu hóa chi phí, theo ông một chiến lược toàn diện phải bao gồm 3 loại hoạt động: Tối ưu hóa chi phí IT (tức giảm chi phí IT nhưng vẫn đảm bảo tối đa hóa giá trị DN), Tối ưu hóa giá trị DN và Kinh doanh số (chuẩn bị cho tương lai số bằng cách số hóa tài sản hữu hình, dữ liệu và quy trình kinh doanh).

Nhìn chung, một DN thành công không thể tách rời khỏi một chiến lược về trải nghiệm của nhân sự và khách hàng. Ngày càng nhiều DN áp dụng chiến lược triển khai tổng thể nhằm tiếp cận tối ưu cả nội bộ và bên ngoài. Trong đó, trải nghiệm tổng thể (total experience - TX) là chiến lược tạo ra trải nghiệm vượt trội, kết hợp bốn quy tắc: đa trải nghiệm (multi experience - MX), trải nghiệm khách hàng (customer experience - CX), trải nghiệm nhân sự (employee experience - EX), trải nghiệm người dùng (user experience - UX). Dự kiến năm 2024, các tổ chức có cung cấp trải nghiệm tổng thể sẽ vượt trội hơn so với đối thủ đến 25% về chỉ số hài lòng cả về CX lẫn EX.