Trên thị trường thịt heo hiện nay, giá cả không còn giữ mức kỷ lục như vài năm trước, sức mua của người tiêu dùng cũng khá chậm nhưng số doanh nghiệp (DN) tham gia lĩnh vực này ngày càng đông và cạnh tranh quyết liệt với nhau, như: BaF (của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam), Meat Master (Công ty TNHH CJ Việt Nam), G-Kitchen (Công ty CP GreenFeed Việt Nam), Japfa (Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam), Meat Deli (Tập đoàn Masan),… và các tên tuổi lâu năm như C.P (Công ty CP C.P Việt Nam), Vissan (Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản).
Thị trường hấp dẫn
Thương hiệu mới nhất tham gia thị trường là "heo ăn chuối" Bapi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Tập đoàn HAGL với kế hoạch mở đến 200 cửa hàng bán lẻ Bapi Food trong năm nay và phấn đấu đạt mốc 1.000 cửa hàng trong năm 2023.
HAGL là DN chăn nuôi heo mới nổi gần đây với sản lượng xuất chuồng lên đến 1.000 con/ngày vào tháng 8 vừa qua và đã có kế hoạch nâng lên khoảng 2.700 con/ngày, tức 1 triệu con/năm vào năm sau. Tại buổi lễ ra mắt thịt heo Bapi mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức (thường gọi là bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn HAGL, cho hay nuôi heo mà chỉ bán heo hơi là bán "lúa non" nên đã thần tốc phát triển mảng thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo để khai thác triệt để lợi thế của quy trình chăn nuôi "heo ăn chuối".
Ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL (công ty con của HAGL), đánh giá thị trường thịt heo rất lớn với giá trị ước tính lên đến 10 tỉ USD/năm, là loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày của người dân. "Chúng tôi gia nhập thị trường lúc này có nhiều thuận lợi khi người tiêu dùng ưu tiên các loại thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Thịt heo Bapi đáp ứng được tiêu chí này, lại ngon và có giá phải chăng, người tiêu dùng mua thử thấy ngon không chỉ quay lại mà còn giới thiệu thêm cho người thân, bạn bè. Bản thân chúng tôi, những người thực hiện dự án Bapi có kinh nghiệm về thiết lập kênh phân phối cả truyền thống và online dưới sự hỗ trợ của công nghệ" - ông Lộc nhấn mạnh.
Kế hoạch dài hạn của HAGL là toàn bộ heo hơi từ trang trại sẽ qua nhà máy để kiểm soát chất lượng và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos Việt Nam (Ipsos là một công ty nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở chính tại Pháp), nhận định phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn có tăng trưởng 10%-15% năm dù toàn ngành giảm do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang một số loại đạm khác như: thịt gà, thủy hải sản.
Thịt heo thương hiệu được hiểu là sản phẩm có tên tuổi, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm cao hơn sản phẩm đại trà. Phần lớn các thương hiệu thịt heo được phát triển bởi các DN chăn nuôi hoặc các DN thực phẩm, bán lẻ có lợi thế về kênh phân phối, tuy không chủ động được nguyên liệu nhưng sẽ thu mua theo tiêu chuẩn riêng. "Người tiêu dùng đang dịch chuyển từ mua thịt heo ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Dư địa tăng trưởng của phân khúc này vẫn còn cao khi chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Hơn nữa, bình quân thu nhập của người Việt đang tăng, tầng lớp trung lưu trở lên ngày càng nhiều cũng như ý thức hơn về vấn đề an toàn thực phẩm tăng cao tạo thêm cơ hội cho thịt heo có thương hiệu" - ông Phong phân tích.
Cửa hàng bán thịt heo ăn chuối đầu tiên của HAGL tại TP HCM thu hút đông người tiêu dùng. Ảnh: AN NA
Khó khăn không ít
Khảo sát tại TP HCM, thời gian gần đây các cửa hàng chuyên kinh doanh thịt heo như: G-Kitchen, Meat Deli, Meat Master,… xuất hiện ngày càng nhiều, vị trí gần các chợ truyền thống. Ngoài ra, các quầy thịt heo thương hiệu còn xuất hiện ở các cửa hàng thực phẩm sạch, trong siêu thị. Thậm chí, một số thương hiệu còn phát triển mô hình quầy thịt "heo nóng", không bảo quản lạnh, cạnh tranh trực tiếp với các tiểu thương ở chợ.
Tuy vậy, theo ông Quách Phong, trở ngại lớn nhất của thịt heo thương hiệu là giá cao hơn thị trường (khoảng 20%) do chi phí sản xuất cao hơn để có chất lượng tốt hơn. Nếu tính từ khâu giết mổ thì thịt heo thương hiệu tổ chức sản xuất tại các nhà máy hiện đại chi phí cao hơn các cơ sở thủ công cho đến vận chuyển bằng xe lạnh, bảo quản tại điểm bán.
"Kênh phân phối cũng là vấn đề lớn khi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam vẫn là mua các nguyên liệu cho bữa ăn mỗi ngày, ít khi chọn mua rau riêng, thịt riêng. Do đó, nơi bán thuận lợi vẫn là các cửa hàng cạnh chợ hoặc đặt quầy trong siêu thị nhưng những vị trí này DN không dễ chen chân. Nếu mở riêng chuỗi chuyên về thịt phải đầu tư lớn cũng như cần thời gian dài để người tiêu dùng thay đổi thói quen. Tuy vậy, vẫn phải chờ thời gian trả lời vì gần đây hoạt động mua bán, giao hàng tận nhà phát triển thì vị trí cửa hàng không còn quan trọng nhiều như trước" - ông Phong nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của một DN sở hữu thương hiệu thịt heo lâu năm, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, nhìn nhận thị trường thịt heo đang "nóng" bởi sự gia nhập của nhiều tên tuổi mới. "Đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với đòi hỏi của người tiêu dùng nhưng lại đang gặp trở ngại bởi thị trường sau COVID-19, người dân thắt chặt chi tiêu. Do đó, sự phát triển của phân khúc này đang rất "chừng mực" và không đột biến như kỳ vọng. Ở phân khúc này, cung đang vượt cầu nên cạnh tranh rất khốc liệt. Bản thân Vissan đang đầu tư mạnh mẽ cho các sản phẩm mới, tăng về chất lượng, chủng loại để phục vụ người tiêu dùng. Mục tiêu hiện nay chủ yếu là giữ thị trường và giữ thị phần, chưa phải lúc đặt trọng tâm về doanh thu, lợi nhuận" - ông An cho hay.
Canh khuyến mãi để mua
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, gần đây TP HCM có nhiều khu dân cư mới, không gần các chợ truyền thống nên người dân thường mua thịt có thương hiệu tại các cửa hàng, siêu thị dưới chân chung cư mà không phải so sánh nhiều với "giá chợ". Tuy nhiên, giá cao vẫn là trở ngại để người tiêu dùng chuyển đổi từ thịt heo "chợ" sang thịt có thương hiệu, do đó nhiều bà nội trợ trẻ chọn canh khuyến mãi để mua thịt heo thương hiệu để dùng cho cả tuần bởi giá rất sát với giá chợ.
Ngoài ra, thịt heo thương hiệu thường chỉ bán các mặt hàng cơ bản như: ba rọi, sườn non, đùi, cốt lết, nạc dăm... hiếm nơi có bán đầu lòng, da heo hay các loại xương chuyên để nấu nước lèo. Điều này khiến cho nhiều gia đình tuy mua thịt heo thương hiệu nhưng vẫn phải ra chợ để mua thêm những phần thịt, xương khác mới đủ nguyên liệu nấu ăn.