Chủ trương đúng nhưng còn thiếu cơ chế
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý…
Trao đổi với báo chí, TS.Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ, chủ trương của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện là đúng đắn, giúp cho các bệnh viện được tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nguồn tài chính trong đó có giá dịch vụ khám, chữa bệnh; tự chủ mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quy định cho bệnh viện tự chủ toàn diện đều nửa vời, không có cơ sở thực hiện.
“Thí dụ, khi bệnh viện tự chủ, họ có quyền sắp xếp bổ sung nhân lực theo quy mô khoa, phòng của bệnh viện nhưng công tác nhân sự phải xin ý kiến Bộ Y tế. Giao bệnh viện là tuyến đầu hỗ trợ chuyên môn y tế cho tuyến dưới, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng việc chuyển giao này ngân sách Nhà nước không chi mà bệnh viện phải tự chủ, trong khi nguồn tài chính của các bệnh viện không có. Giao tự chủ nhưng không được tự chủ cái gì thì làm sao thí điểm thành công”, ông Quang đặt câu hỏi.
Về cơ chế tài chính, nguồn thu của bệnh viện tự chủ chính là nguồn thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng nhiệm vụ của bệnh viện tuyến cuối vẫn phải phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế. Khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phải tuân thủ đúng theo khung giá Bộ Y tế quy định nhưng đến nay hơn 2 năm, Bộ Y tế chưa ban hành được. Không có quy định, các bệnh viện không có cơ sở để đánh giá giá dịch vụ thế nào để thu.
“Khủng hoảng nguồn thu sẽ dẫn tới cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương cho cán bộ y tế không bảo đảm. Dạ dày không bảo đảm thì tạo ra các cơ chế khác không bảo đảm”, ông Quang nói.
TS.Nguyễn Huy Quang cho rằng, để thực hiện được tự chủ, thứ nhất phải tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thứ hai tự chủ về tổ chức nhân sự, thứ 3 tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, thứ 4 tự chủ về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, trong 4 vấn đề này đều chưa rõ về cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu cơ chế về mặt pháp lý, quá trình thực hiện cũng thiếu sự chỉ đạo.
Đơn cử như về tổ chức nhân sự, bệnh viện thành lập Hội đồng quản lý để ra quyết định cho Ban Giám đốc thực hiện nhưng mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy bệnh viện cũng chưa được phân định rõ ràng. Vì vậy, các quyết sách liên quan đến hoạt động bình thường của bệnh viện về nhân sự, đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, tiền lương, giá dịch vụ y tế chậm trễ hơn so với các bệnh viện khác.
Một dẫn chứng khác về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả bệnh viện tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lẫn các bệnh viện khác. Điều này dẫn đến tình trạng toàn tuyến y tế từ trung ương đến cấp xã, phường thiếu thiết bị y tế 73%, thiếu vật tư y tế 75%.
“Tôi cho rằng chúng ta nên dừng thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, dừng lại không có nghĩa là chấm dứt việc xác lập và xây dựng mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện mà chỉ thực hiện tự chủ toàn điện khi các điều kiện đã chín muồi, trong đó có các thể chế pháp lý đầy đủ như đã nêu phía trên”, ông Quang nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề tự chủ, GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, Đảng và Chính phủ cho phép bệnh viện làm tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần nhằm mục đích xuyên suốt là phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Nhưng, để bảo đảm được sự thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả cho bệnh viện tự chủ làm việc đó thì đều đang vướng.
“Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, các văn bản pháp quy quy định triển khai tự chủ toàn diện liên quan nhiều luật khác như Luật đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công... chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, khi chọn mẫu bệnh viện hạng đặc biệt để thí điểm tự chủ cũng là chưa hợp lý. Vốn dĩ các bệnh viện này đều là đầu ngành, bệnh nhân rất đông, không cần phải làm thương hiệu để thu hút bệnh nhân. Nếu giả sử làm thành công tự chủ toàn diện ở bệnh viện đặc biệt này, làm sao áp dụng thành công cho các bệnh viện tuyến dưới.
Đảng và Chính phủ cho phép bệnh viện làm tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần nhằm mục đích xuyên suốt là phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng nhiều điểm chưa ổn, chưa rõ thì cần phải được xem lại để giải quyết mới tiếp tục cho làm tự chủ”, GS Trí nêu quan điểm.
Theo ông Trí, bệnh viện công do Nhà nước đầu tư nhà cửa, máy móc, nhân lực nhưng khi đặt ra vấn đề các cơ sở y tế này phải tự chủ thì các bệnh viện phải tìm cách để thu lợi nhiều nhất. Khi đó, những vấn đề về y đức, phục vụ người nghèo, các đối tượng chính sách sẽ được đặt ra.
“Nếu cho bệnh viện tự chủ toàn diện, phải có quy định cụ thể được sử dụng bao nhiêu % trong số đó để làm dịch vụ thu tiền, bao nhiêu % phải phục vụ nhân dân. Đây là nút thắt quan trọng nhất mà Chính phủ cần xem xét. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng nhiều điểm chưa ổn, chưa rõ thì cần phải được xem lại để giải quyết mới tiếp tục cho làm tự chủ”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có Nghị quyết riêng
Nhìn nhận về việc các bệnh viện xin dừng tự chủ, Chia sẻ trên VOV, TS.Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: “Sự việc 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và Bệnh viện K báo cáo với Thủ tướng về những khó khăn trong quá trình tự chủ bệnh viện là một tín hiệu rất tích cực để cho ngành y tế trình bày các khó khăn của mình và tạo được sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế, việc triển khai thí điểm tự chủ của các bệnh viện thời gian qua, kết quả thu được không như mong muốn là vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là trong 2 năm vừa qua, các bệnh viện được phân công thực hiện thí điểm tự chủ nhưng lại rơi vào đúng 2 năm dịch bệnh căng thẳng, bệnh viện không có bệnh nhân, nguồn thu sụt giảm, gây khó khăn rất lớn. Thêm nữa, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, các bệnh viện cũng phải tập trung cho phòng chống dịch, nên nhìn chung ít có điều kiện để thực hiện đúng việc tự chủ như mục tiêu ban đầu đặt ra.
Còn nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa có kinh nghiệm, thời gian qua chúng ta chưa đầu tư phù hợp cho việc triển khai thí điểm tự chủ bệnh viện nên kết quả như vậy là phản ánh đúng”.
Theo TS.Nguyễn Đức Kiên, để tháo gỡ khó khăn, ở thời điểm này, Bộ Y tế cần động viên, chia sẻ với các bệnh viện để họ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Vì như đã nói, 2 năm vừa qua việc thí điểm tự chủ bệnh viện được triển khai trong bối cảnh đặc biệt là dịch Covid-19, do đó bệnh viện chưa có điều kiện để làm được.
“Trong 4 bệnh viện thì mỗi bệnh viện có đặc thù riêng, do đó để các bệnh viện tự chủ được thì không thể gom 4 bệnh viện làm chung một mô hình mà cần có nghị định hoặc quyết định thí điểm riêng cho từng bệnh viện. Từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế cần trình được Thủ tướng để ban hành được 4 quyết định thí điểm riêng cho 4 bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Bệnh viện K.
Về lâu dài, Bộ Y tế phải nghiên cứu để từ nay đến năm 2025 trình được Chính phủ, Trung ương ra được nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy ngành y tế. Trung ương đã có nghị quyết về vấn đề chăm sóc sức khoẻ rồi, giờ cần tổng kết lại nghị quyết này, nâng lên thành nghị quyết chuyên đề của Trung ương về "Đảm bảo đổi mới công tác về sức khoẻ trong bối cảnh công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế", TS.Kiên nêu quan điểm.
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Kiên, bệnh viện khi đã tự chủ thì phải hiểu nó là doanh nghiệp công ích, nghĩa là phải tính đúng tính đủ. Khi đã làm công ích thì những cái gì thuộc trách nhiệm Nhà nước thì Nhà nước làm, cái gì thuộc của người dân thì người dân chi trả. Thực tế, hiện nay, người dân và bảo hiểm xã hội chưa trả hết các chi phí thực của bệnh viện.
Tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế. Không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua là không tránh được.
Hiện, có một thực tế là chúng ta mới chỉ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng mà không tập trung tiền vào duy trì, bảo trì, bảo dưỡng. Muốn bệnh viện trở thành tuyến đầu, muốn xuất khẩu y tế tại chỗ thì phải thay đổi máy móc, phải có kinh phí đế khấu hao máy móc, thiết bị. Bây giờ cho thực hiện tự chủ thì phải cho bệnh viện cái quyền đó.
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.
Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, các vướng mắc của 2 bệnh viện này đa phần liên quan cơ chế tài chính. Vì vậy, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào. Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng triển khai thực hiện.
Minh Vy (tổng hợp)