Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
Ngày 6/9, tại trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, đồng chí Trần Công Phàn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV đã chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cùng tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đại diện Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì sạn thảo) cùng một số chuyên gia của các Chi hội luật gia trực thuộc Trung ương Hội và Trưởng, Phó các Ban chuyên môn của Hội.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn cho biết: “Hội Luật gia Việt Nam xác định việc xây dựng và ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ về lý luận nhận thức mà còn bảo đảm việc phát huy quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân và đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, Hội hy vọng rằng qua tọa đàm sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật gia nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật”.
Phát biểu về một số nội dung chính của dự thảo, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, về tên gọi của dự án luật hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau như: “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, “Luật dân chủ”..., tuy nhiên, đa số ĐQBH đã thống nhất với tên gọi “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, ông Thành cho biết: “Dự thảo sửa đổi mới nhất hiện nay đã đưa tổ chức, cơ quan của Đảng ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề nên hay không nên đưa doanh nghiệp (tổ chức sử dụng lao động) vào phạm vi điều chỉnh của Luật, và nếu đưa vào phạm vi điều chỉnh thì chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước hay cả các doanh nghiệp khác. Hiện nay, ở dự thảo mới nhất Ban soạn thảo xây dựng theo hướng đưa cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân vào phạm vi điều chỉnh”.
Về vấn đề kiểm tra giám sát, ông Thành cho biết có sự lồng ghép với nhau, còn nhiều ý kiến cần phải phân định tách bạch thế nào là kiểm tra? Thế nào là giám sát? Hiện, trong dự thảo ông Thành cho biết đã phân định giữa kiểm tra và giám sát.
“Kiểm tra là những vấn đề nhân dân bàn và quyết định thì nhân dân được kiểm tra, còn giám sát là giám sát việc thực hiện những quy định của hiến pháp, luật và các văn bản của cấp trên. Do vậy, trong nội hàm thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan sẽ không kiểm tra, bởi cán bộ công chức không bàn mà chỉ thực hiện, tham gia ý kiến”, ông Thành nói.
Về Ban Thanh tra nhân dân, trước đây quy định ở Luật Thanh tra, hiện nay đang có ý kiến đề nghị chuyển Ban Thanh tra nhân dân sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vấn đề này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua ở kỳ họp tới.
Từ những vấn đề đang được quan tâm, lấy ý kiến, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu xem xét cho ý kiến một số nội dung:
Về thực hiện dân chủ tại cơ quan đơn vị, nội dung công khai thông tin tại cơ quan đơn vị trong dự thảo luật đã đầy đủ hay chưa? Có cần thiết phải bổ sung hay lược bỏ hình thức công khai nào hay không? Có đảm bảo khả thi?
Nội dung cán bộ, công chức viên chức người lao động tham gia ý kiến tại dự thảo luật này đã đầy đủ hay chưa?
Nội dung và hình thức cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kiểm tra, giám sát tại dự thảo Luật này đã đầy đủ hay chưa? Thực tiễn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện quyền giám sát tại cơ quan đơn vị như thế nào?
Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, ông Thành nêu vấn đề việc quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức có sử dụng lao động trong dự thảo có cần thiết và phù hợp hay không? Có cần thiết phải quy định về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp tư ở dự thảo này hay không? Hay chỉ quy định ở doanh nghiệp Nhà nước? …
Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tư cần tính toán kỹ
TS. Trần Văn Quảng, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cho biết, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như: nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cở sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa thống nhất, đồng bộ, toàn diện…
Vì vậy, ông Quảng cho rằng việc ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn đó là Luật để thống nhất đầu mối quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở là hết sức cần thiết.
Tại tọa đàm các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung có liên quan đến phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; ban Thanh tra nhân dân; các nội dung thông tin phải công khai ở doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; quyền, nghĩa vụ của nhân dân và các tổ chức có liên quan...
Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật ông Võ Việt Hà, Phó Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho rằng: “Dự thảo quy định thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc bảo đảm thực thi luật còn mờ nhạt, do đó, nếu cứ ban hành luật này thì sẽ khó có thể thực hiện được”. Ông Hà cũng nhấn mạnh muốn thực hiện được Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì hướng dẫn thi hành cần phải có cơ chế, chế tài rõ ràng.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ dự án Luật này rất khó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các cơ quan Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên đối với doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ đối với từng loại hình doanh nghiệp, cần bảo đảm tính hợp lý, công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện dân chủ. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Quyền cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phương án về cơ chế tự quản ở cơ sở trong thời gian tới.
Góp thêm ý kiến, PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Chi hội trưởng Chi Hội luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tình với tên gọi của Luật, và Luật này thực hiện tập trung ở cơ sở (cấp xã, phường) còn dân chủ trong Đảng đã có quy định rõ.
Về phạm vi điều chỉnh PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho rằng cần giải thích rõ các khái niệm “dân chủ ở cơ sở là gì?”, “Lợi ích cộng đồng là gì?”, “Lợi ích cộng đồng dân cư là gì?”.
Về các hình thức công khai thông tin qua mạng xã hội được pháp luật quy định, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho rằng điều này là đúng nhưng không tương thích với quyền tiếp cận thông tin. Bởi, quyền tiếp cận thông tin và tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ là quyền bất khả kháng.
“Chúng ta đã có cơ chế giám sát các trang mạng xã hội trong Luật An ninh mạng, theo tôi chỉ nên quy định mở như trong Luật An ninh mạng. Dưới góc độ tiếp cận quyền con người trên không gian mạng, tôi thấy rằng quyền tiếp cận thông tin quy định cụ thể trên mạng zalo, viber… như dự thảo có thể dẫn đến hạn chế phương tiện tiếp cận của người dân, người dân sẽ khó bắt kịp sự thay đổi không gian mạng trong tương lai. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét chỉnh sửa khoản 1, điểm g theo hướng quy định các trang mạng xã hội nói chung”, PGS.TS Nguyễn Thị Báo nhấn mạnh.
Đối với hình thức giám sát, theo bà Báo dân chủ cần có sự giám sát của báo chí, vì vậy cần phải bổ sung thêm giám sát thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng ban Nghiên cứu xây dựng và Phổ biến pháp luật cũng cho rằng đây là một dự án luật khó liên quan đến khoảng 30 dự án luật khác, nếu xây dựng không cẩn thận sẽ chồng chéo lẫn nhau.
“Tôi cho rằng những vấn đề cần làm rõ là các khái niệm tên gọi của luật và giải mã từng “từ khóa” của luật, những giải thích chưa thực sự thuyết phục như khái niệm về “cơ sở”, “thực hiện dân chủ”… cần phải làm rõ hơn nội hàm của một số khái niệm”, ông Tuân nói.
Theo ông Tuân, cần phải xem nội dung cần thiết của dự án luật này là gì, nếu chỉ về quyền dân chủ thì được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, đã có cơ chế bảo đảm thực hiện.
Đồng quan điểm với ông Tuân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng Ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng chia sẻ sự nỗ lực của ban soạn thảo trong việc đưa vào dự thảo Luật cụm từ “doanh nghiệp Nhà nước”, “doanh nghiệp nước ngoài”, “doanh nghiệp tư nhân”… với mong muốn để dân chủ được thực thi ở tất cả cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, việc này lại khiến dự thảo Luật bị dàn trải, đã được quy định ở một số luật khác.
Vì vậy, bà Thảo đề nghị cần làm rõ khái niệm “dân chủ cơ sở”, về phạm vi điều chỉnh bà Thảo cũng đề nghị cân nhắc chỉ quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, không nên mở rộng ra doanh nghiệp và các tổ chức khác để đảm bảo thực hiện được.
“Nếu đưa doanh nghiệp Nhà nước vào mà không đưa các loại hình doanh nghiệp khác thì sẽ bất bình đẳng, về mặt nguyên lý kinh doanh tôi cho rằng các loại hình doanh nghiệp đều có quyền bình đẳng như nhau”, bà Thảo nhấn mạnh và cho rằng không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Hữu Thành cho biết những vấn đề các đại biểu đưa ra cũng là vấn đề mà cơ quan soạn thảo trăn trở, tại tọa đàm hôm nay, cơ quan chủ trì xin được tiếp thu những ý kiến phát biểu góp ý của các đại biểu.
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn nhấn mạnh, buổi tọa đàm hôm nay cũng thể hiện trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam trong vấn đề tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Sau buổi tọa đàm này, Hội Luật gia Việt Nam cũng sẽ có một văn bản tập hợp ý kiến gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan về ý kiến của Hội Luật gia về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hoàng Bích
Ảnh: Hữu Thắng