Chuyện nữ quyền ở Tân Hiệp Phát

Admin

Hơn 35% lãnh đạo của Tân Hiệp Phát là nữ giới, người kế nghiệp công ty là hai cô con gái... là minh chứng cho quan điểm của doanh nghiệp này: không có sự phân biệt giữa nam và nữ trong công việc. Tất cả được đánh giá dựa trên khao khát và năng lực của bản thân.

Điểm đặc biệt khi nhìn vào Tân Hiệp Phát là công ty gia đình này đậm dấu ấn của những người phụ nữ. "Chị Nụ còn mạnh, Tân Hiệp Phát còn mạnh. Chị Nụ yếu, Tân Hiệp phát yếu" Trần Uyên Phương thừa nhận là đúng khi nói về tầm ảnh hưởng của mẹ - bà Phạm Thị Nụ, đối với công ty.

Là người rất ít khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng bà Nụ chính là cánh tay phải quan trọng, giúp ông Trần Quí Thanh dựng lên "đế chế" nước giải khát tại Việt Nam từ con số 0.

Nếu ông Thanh là người điều hành doanh nghiệp, tính toán để thành hình sản phẩm thì bà Nụ là người xử lý các công đoạn sau đó. Bà là người bán hàng kỳ cựu suốt từ thời vợ chồng còn phải đạp từng cuốc xe đạp đi giao hàng đến khi nắm trong tay cơ ngời nghìn tỷ. Bà Nụ luôn có những chính sách ưu đãi thông thái đến từng đơn vị phân phối và các nhà cung cấp, những cánh tay nối dài của THP và cũng chăm sóc mọi người xung quanh bằng những món quà đến từ trái tim.

Chuyện nữ quyền ở Tân Hiệp Phát - Ảnh 1.

Madam Nụ

Đến tận bây giờ, Phương cho biết bà Nụ vẫn làm hàng nghìn lọ mắm dịp Tết để tặng cho công nhân, không quên những món quà cho con em của nhân viên vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Nhân viên công ty vì thế coi bà là người chị, người mẹ tinh thần và thường gọi trìu mến là "madame Nụ".

Với khách hàng, bà Nụ cũng có giao hẹn của riêng mình. Đó là sản phẩm gì làm ra cũng là con cái mình dùng đầu tiên, tiếp đến là người thân rồi mới là xã hội. Vì vậy, bà nhấn mạnh mọi thứ buộc phải cẩn thận và được thực hiện từ cái tâm chân thật của mình.

Sự tinh tế, giàu tình thương của người phụ nữ này đã bổ trợ, tạo thành một thứ giá trị mềm hỗ trợ cho người chồng Trần Quí Thanh, vốn ít khi để tâm đến.

Đến giai đoạn chuyển tiếp thế hệ của Tân Hiệp Phát, chị em Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích cũng khiến nhiều người bất ngờ khi sẽ trở thành những người kế nghiệp.

"Bố mẹ tôi là những người rất rộng lượng và có quan điểm mới trong việc xây dựng gia đình và tổ chức. Họ không đặt ra rào cản cho con cái mà tạo điều kiện công bằng để chúng tôi phát triển. Em Dũng không muốn làm cho gia đình thì có thể ra ngoài làm riêng. Em được tự do để làm điều đó. Còn Bích và tôi muốn tham gia vận hành công ty, chúng tôi cũng được tụ do chọn lựa", Uyên Phương nói.

Trần Uyên Phương khẳng định ở Tân Hiệp Phát thứ duy nhất được đặt lên bàn là năng lực mỗi người. Những năm qua Trần Uyên Phương tham gia vào công tác truyền thông, marketing của doanh nghiệp. Còn Trần Ngọc Bích tập trung vào công việc quản trị nội bộ gồm mảng nhân sự, tài chính, kiểm soát nội bộ.

Con gái lớn nhà Dr Thanh cho biết một điểm khác biệt ở Tân Hiệp Phát so với nhiều công ty khác là nhiều vị trí quản lý do nữ giới đảm nhận. Hơn 35% cấp quản lý ở doanh nghiệp này là phụ nữ.

"Chúng tôi quan niệm phụ nữ là những người có khả năng quản lý và tương tác tốt. Họ rất uyển chuyển trong việc tương tác giữa con người với con người", Uyên Phương nói.

Chuyện nữ quyền ở Tân Hiệp Phát - Ảnh 2.

Cô nhấn mạnh: "Không phải cứ phụ nữ là yếu mềm. Khi cần quyết liệt, họ có thể cứng rắn hơn cả nam giới".

Dù không phủ nhận nhiều phụ nữ có sự ưu tiên hơn cho gia đình, Uyên Phương cho biết những môi trường cô có dịp tương tác, nhân viên nữ luôn tìm cách thực hiện 2 cam kết: gia đình – công việc cùng lúc. "Đến giờ, tôi rất tự hào khi bản thân có thể dựa vào rất nhiều đồng nghiệp là nữ", Phương hào hứng nói.

Bên cạnh đó, Uyên Phương nhận định xã hội cũng dần bớt đi những định kiến về các nữ lãnh đạo. Theo cô, khoảng 3-5 năm trước, trong một xã hội nam giới chiếm đa số, thách thức với những nữ lãnh đạo là rất lớn. Nhưng giờ đây, nam giới nói riêng, cộng đồng nói chung đã "thoáng hơn" trong việc nữ giới song hành ở lãnh đạo vốn được xem là địa bàn của cánh đàn ông.

https://cafef.vn/chuyen-nu-quyen-o-tan-hiep-phat-20220801133518506.chn