Chuyện người Việt xây bệnh viện 400 giường ở Angola

Admin

Mong mỏi của những người Việt thành danh ở Angola là xây dựng những công trình có dấu ấn Việt Nam và tạo dựng “làng người Việt” trên mảnh đất này.

18 năm trước, trên chuyến bay đến Angola, anh Nguyễn Văn Hòa (nguyên quán xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam) nhìn từ trên cao thấy những căn nhà bé như những hộp diêm và phất phơ như chiếc ô.

Ở mảnh đất châu Phi nghèo và buồn tẻ ấy, chàng thanh niên Việt Nam chỉ mong muốn được làm việc để trả món nợ ở quê nhà và tìm chút vốn dắt lưng cho tuổi già. Vậy mà 18 năm sau, anh trở thành doanh nhân đầu tiên được công nhận có đóng góp lớn nhất cho địa phương trong 40 năm qua.

Chuyện người Việt xây bệnh viện 400 giường ở Angola- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Hòa luôn mong muốn xây dựng những công trình có dấu ấn Việt Nam nơi xứ người. Ảnh anh Nguyễn Văn Hoà tại một sự kiện từ thiện ở Angola trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: NVCC)

Đi lên từ thợ photocopy

Hầu hết người Việt đến Angola những năm đầu 2000 khởi nghiệp với nghề photocopy và chụp ảnh cho người bản địa. Nhiều người giàu lên, có của ăn của để nhờ nghề này. Ban đầu, anh Hòa làm thuê cho một cửa hàng chụp ảnh. Nhờ chịu thương chịu khó, nhìn đâu cũng ra việc, thấy đâu cũng là cơ hội kiếm tiền, anh Hòa dần có cơ sở photocopy của riêng mình.

Từ chủ một cửa hàng nhỏ, anh Hòa dần tìm hiểu và phát triển những ngành nghề mình có thể làm được. Điểm danh mục anh đã “đầu tư” mới thấy ý chí kiên cường của chàng trai gốc Hà Nam nơi xứ người: Photocopy, chụp ảnh, chạy taxi, bán phụ tùng xe máy, “đánh hàng” từ Trung Quốc sang Angola, bán phụ tùng ô tô, mở gara sửa xe, mở siêu thị mini… Cuối cùng, anh trở thành nhà thầu xây dựng, chuyên xây dựng các công trình công tại tỉnh Huambo nơi anh sống và phát triển rộng ra toàn quốc.

Nói về lần quyết định mở rộng thêm mặt hàng phụ tùng xe máy, anh Hòa cho biết, Angola là đất nước còn nghèo, thời điểm anh sang chỉ mới kết thúc chiến tranh được ít năm nên kinh tế còn rất khó khăn. Gia đình Angola nào có xe máy lúc đó là cả một sự nỗ lực, nên các dịch vụ đi kèm chiếc xe còn rất ít. Anh nắm bắt cơ hội đó và mở ngay một cửa hàng sửa xe, rồi dần dần nhập cả phụ tùng từ Việt Nam hoặc Trung Quốc sang để bán.

Hay như khi anh quyết định mua ô tô để chạy taxi, nhu cầu đi lại ở đây rất lớn. Anh chung tiền với một người bạn Việt Nam và thuê người bản địa lái (vì pháp luật Angola quy định chỉ người trong nước mới được lái xe dịch vụ). Trong tuần, tiền công lái xe là trọn một ngày doanh thu từ taxi, 6 ngày còn lại anh và bạn chia đôi.

“Người Việt mình đi ra ngoài chỉ cần có ý thức kiếm tiền là sẽ thành công thôi. Tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội phát triển, chỉ là mình có tích lũy đủ vốn cho việc đó hay không thôi” , doanh nhân người Việt ở Angola nhận định.

Cái khó ló cái khôn

Năm 2009 là dấu ấn lớn của Nguyễn Văn Hòa khi anh quyết định đưa nhiều người cùng quê sang Angola để mở rộng các mô hình kinh doanh của mình. Anh duy trì tất cả các loại hình dịch vụ đã làm chủ với suy nghĩ “không dồn trứng vào một giỏ”. Khi anh mở chuỗi 3 siêu thị mini ở tỉnh, không chỉ người dân bản địa yêu thích mà người nước ngoài sinh sống ở đây cũng là khách hàng quen thuộc. Cửa hàng của anh bán những thứ hàng khô quen thuộc với người Việt như mỳ chính, hạt tiêu, đồ ăn khô…

Khi tích lũy đủ, anh mở rộng sang ngành xây dựng, thầu các công trình công như ủy ban, trường học… Công nhân viên của anh đến nay có khoảng 40 - 50 người Việt, 200 - 300 người bản địa.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến Angola, việc kinh doanh trở nên khó khăn. Đa số người nước ngoài, bao gồm cả người Việt ở Angola tìm đường về nước, nhưng anh Hòa quyết tâm ở lại.

Ở thời điểm mọi người co cụm vốn đầu tư, anh quyết định đặt vấn đề với địa phương, xây tặng một trường dành cho trẻ mồ côi gồm 12 lớp học. Trong tính toán của anh, khi tạo dựng được niềm tin vào chính quyền và người dân, uy tín tăng cao sẽ giúp anh nhận được các công trình công ở địa phương.

Đầu năm 2022, công trình được nghiệm thu, trở thành công trình đầu tiên do người dân Việt Nam xây dựng tặng đất nước Angola.

Khánh thành ngôi trường, không chỉ quan chức cấp tỉnh mà lãnh đạo Chính phủ Angola cũng đến dự và gặp gỡ nói lời cảm ơn vị doanh nhân người Việt. Sau đó, công ty anh Hòa nhận “mưa công trình trường học”, giúp anh lo được cho công nhân viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Theo nhận định của doanh nhân người Việt, tiềm năng phát triển của Angola rất lớn, con người nơi đây thật thà, chất phác. Người Việt cũng không giấu nghề, hỗ trợ người bản xứ rất nhiều trong các ngành nghề như xây dựng, nông nghiệp, mộc, sửa chữa… Được người Việt sang dạy nghề, họ tiếp thu tốt và ngày càng nhiều kỹ năng phát triển. Một bộ phận người Việt ở Angola làm ăn thành công. Trong khoảng thời gian dài từ những năm 1990 - 2000, lượng kiều hối từ Angola về Việt Nam rất lớn.

Chuyện người Việt xây bệnh viện 400 giường ở Angola- Ảnh 2.

Bản thiết kế bệnh viện 400 giường của doanh nhân Nguyễn Văn Hoà ở Angola.

Giấc mơ ấp ủ

Trong những ngày dịch COVD-19 hoành hành, anh Hòa hỗ trợ nhiều địa phương phía nam Angola xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị các ca bệnh, đón thiết bị y tế từ các quốc gia phương Tây về lắp đặt tại đây. Anh ấp ủ giấc mơ xây một bệnh viện của người Việt Nam, do người Việt Nam điều hành trên đất nước Angola.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, anh dồn hết nguồn lực mua đất và đầu năm 2023 bắt tay xây dựng bệnh viện hơn 400 giường bệnh. Anh cũng tự nhập các trang thiết bị, máy móc hiện đại mà không tìm thêm nguồn lực hỗ trợ khác. Bệnh viện quy mô lớn ở miền Nam Angola rất hiếm. Vì thế công trình của anh Hòa gây ấn tượng sâu sắc với người dân.

“Thế hệ trẻ giỏi hơn tôi. Tôi chỉ biết xây dựng, còn duy trì và phát triển bệnh viện một cách bền vững hơn thì tùy thuộc hết vào lớp trẻ”

Anh Hòa cũng đóng góp không nhỏ vào việc duy trì và phát triển, giữ vững tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở Angola. Nhà anh luôn là nơi đón tiếp các thế hệ, các thành phần người Việt ở đất nước này, từ người dân làm công, tới lớp trẻ năng động như các vlogger Tiến Tuti, Huế Cô gái châu Phi và Quang Linh nổi tiếng với kênh Youtube Quang Linh Vlog - Cuộc sống ở châu Phi.

Trong những cuộc gặp của cộng đồng người Việt tại Angola, anh Hòa cùng mọi người ấp ủ ý tưởng sẽ hình thành các cộng đồng nhỏ có thể giúp nhau kinh doanh, từ đó tạo dựng những ngôi làng người Việt nơi đây.

Chuyện người Việt xây bệnh viện 400 giường ở Angola- Ảnh 3.

Đại sứ Việt Nam tại Angola Dương Chính Chức (phải) và doanh nhân Nguyễn Văn Hòa (trái) tại một sự kiện của Cộng đồng người Việt ở Angola. (Ảnh: NVCC)

Sức sống của một cộng đồng người Việt ở châu Phi

Ông Dương Chính Chức - Đại sứ Việt Nam tại Angola cho biết, vào những năm 1980, cộng đồng người Việt Nam ở Angola lên đến hơn 50.000 người. Tuy nhiên, do dịch bệnh cùng nhiều yếu tố khách quan, hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở Angola còn khoảng hơn 8.000 người, là cộng đồng có số lượng kiều bào lớn nhất tại châu Phi. Cộng đồng đó gồm 3 nhóm: các chuyên gia y tế và giáo dục, các doanh nghiệp tư nhân và lao động làm thuê.

Nhóm doanh nghiệp tự lập hoạt động khá đa dạng, chủ yếu là xây dựng, gara ô tô, mộc, nông nghiệp, sản xuất bánh mì, may mặc, mở ki-ốt bán hàng Việt Nam và thực phẩm thường dùng.

Ông Chức cũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Angola vốn dĩ hoạt động khá nhộn nhịp nhưng bắt đầu nổi lên từ cách đây vài năm nhờ một số lý do chính.

Trước hết, việc tổ chức các hoạt động cộng đồng giữa người Việt với nhau, hoặc giữa người Việt với người dân Angola vốn là truyền thống, có sẵn từ lâu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng người Việt luôn tổ chức giao lưu để tăng cường đoàn kết, gắn bó và thực hiện nhiều hoạt động từ thiện đối với người dân địa phương, làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị, đề cao hình ảnh người Việt.

Thứ hai là vài năm gần đây, xuất hiện các trang, tài khoản mạng xã hội nổi tiếng của người Việt sinh sống tại Angola, như Quang Linh Vlog, Đông Paulo, Tiến Tuti, Cô gái châu Phi…, giúp lan truyền hình ảnh cộng đồng tốt hơn. Họ nắm bắt và tận dụng rất tốt các công cụ về hình ảnh và âm thanh để làm truyền thông, đưa những hình ảnh chân thực về cuộc sống của cộng đồng người Việt và người dân Angola ra thế giới.

Thứ ba, là yếu tố nhân đạo, thiện nguyện trong các hoạt động, giúp mình, giúp người, được nhiều người khuyến khích, ủng hộ.

“Tôi cho rằng cộng đồng người Việt ta tại các nước khác cũng nhộn nhịp và ý nghĩa không kém, vấn đề là cần biết cách sử dụng khoa học công nghệ và kết hợp với truyền thông”

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng từng bước phát triển cộng đồng ngày một vững mạnh hơn. Hiện nay, Đại sứ quán cùng cộng đồng người Việt tại Angola đang xây dựng Hội doanh nhân Việt Nam tại Angola, hoặc Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Angola. Việc lập hội sẽ giúp củng cố đoàn kết giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ có tổ chức, hệ thống hơn đối với doanh nghiệp, nhất là việc đề xuất, kiến nghị chính sách đối với chính quyền trung ương và địa phương của Angola và đưa các doanh nghiệp hoạt động thống nhất theo khuôn khổ, quy tắc chung.