Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Admin

Nhiều chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đã có xu hướng phục hồi rõ nét song khu vực doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản, tài chính vẫn chưa rõ nét, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định sáng 11/4, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với 4 bất: bất ổn, bất định, bất thường, bất an.

Trong đó bao gồm sự cạnh tranh giữa các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, biến đổi khi hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan có thể làm sâu sắc thêm khủng hoảng năng lượng, lương thực…

Đánh giá chung về kinh tế Việt Nam, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đã có xu hướng phục hồi rõ nét hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính vẫn chưa rõ nét, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có, rất khó dự đoán từ các yếu tố bất định bên ngoài và bên trong nền kinh tế ảnh hưởng đến: sản xuất kinh, hoạch định chính sách và quyết định.

Các yếu tố bất định đối với kinh tế Việt Nam có thể kể đến là tác động tiêu cực từ 3 “cơn gió ngược” bên ngoài. Đó là sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế lớn Việt Nam, nhất là Trung Quốc, thậm chí suy thoái tăng trưởng ở Đức và một vài nước EU, sự suy giảm thu nhập khả dụng ở các nước phát triển ảnh hưởng tiêu cực đến XK của Việt Nam;

Chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới tỉ giá, qua đó ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư trong nước. Giá cả quốc tế, nhất là giá dầu và các mặt hàng liên quan vẫn còn nhiều bất định, giá nhiều đầu vào sản xuất tuy giảm, song vẫn còn ảnh hưởng.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ sự bất định về tình hình thực thi chính sách trong nước và tình hình thị trường bất động sản, sửa đổi pháp luật hiện nay.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ đặt ra câu hỏi: “Nền kinh tế Việt Nam có ổn định thật không? Hay bất ổn đang đe doạ?”.

Vị chuyên gia này chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm doanh nghiệp nhỏ, có đến 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế mở, nhưng FDI chiếm 2/3 "chiếc bánh" xuất nhập khẩu.

Tăng trưởng GDP quý I/2024 có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên khu vực doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ đóng góp 10% GDP trong khi đây là khu vực chủ lực.

Ông Thiên cũng chỉ ra những nghịch lý trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Lạm phát thấp (3,5-4%) nhưng lãi suất lại quá cao (9-10%/năm). Kinh tế vĩ mô được cho là ổn định nhưng thị trường, doanh nghiệp, ngân hàng lại phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Đồng thời, ông Thiên cho rằng, không nên an ủi bằng thành tích rằng số doanh nghiệp thành lập lớn hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế, dù doanh nghiệp hiện nay được thành lập nhiều nhưng quy mô doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhỏ, tuổi thọ thật sự của doanh nghiệp ngắn.

Đặc biệt, số liệu quý I/2024 là một dấu hiệu đáng báo động khi doanh nghiệp mới thành lập là 60.000, trong khi có tới tận 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chia sẻ với ý kiến của ông Thiên, ông Sang cho rằng, việc nói nền kinh tế Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa là không đúng. Trong thực tế, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là các quốc gia có tới 99% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điểm khác là các nước này có doanh nghiệp trụ cột.

Điểm đáng lo ngại ở đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam hiện nay gần như không có. Thêm vào đó, doanh nghiệp lớn Trung Quốc hiện nay có xu hướng đổ bộ vào Việt Nam, kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Việc doanh nghiệp nước ngoài sang và kéo theo "họ hàng", không tạo việc làm trong nước mới thực sự là nguy hiểm”, ông Sang nhận định.

Ông Sang cho rằng, vấn đề quan trọng là làm sao thu hút FDI để đôi bên cùng có lợi chứ không phải chỉ tạo ra nhóm việc làm nước ngoài hưởng.