Choáng với hóa đơn tiền điện

Admin

Nhiều người ví von hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt còn hơn giá vàng. Trong khi đó, ngành điện cảnh báo nắng nóng sẽ giảm nhưng nền nhiệt vẫn còn cao, người dân cần tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Những ngày đầu tháng 5, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều người dí dỏm rủ nhau khoe độ "giàu có" qua hóa đơn tiền điện. Hàng loạt hóa đơn tiền điện phải trả ít thì gần 1 triệu đồng, nhiều thì lên đến 4-5 triệu đồng được cư dân mạng nhiệt tình chia sẻ.

Nhiều người cho biết đang "nhức đầu, chóng mặt" hoặc "muốn xỉu ngang" khi đọc thông báo hóa đơn tiền điện ít thì tăng thêm vài trăm ngàn đồng, nhiều thì tốn thêm một vài triệu đồng so với tháng trước.

Trên một nhóm cộng đồng, status "dân chơi giờ đừng khoe đồ hiệu nữa, khoe bill tiền điện đi" chỉ sau hơn 20 phút đã thu hút hơn 100 bình luận. Nhiều thành viên của cộng đồng này cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đến 40%-50%, thậm chí là gấp đôi so với tháng 3.

Choáng với hóa đơn tiền điện- Ảnh 1.

Sử dụng máy lạnh trong điều kiện nắng nóng làm tiêu tốn rất nhiều điện năng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Anh Nguyễn Trường Hải (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nói vui là "muốn sang chấn tâm lý" vì tiền điện tháng 4 vọt lên mức 1,6 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với tháng 3. Anh Trần Văn Thái (ngụ quận 3, TP HCM) thì phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 4 gần 5 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với tháng trước.

"Nhà có 2 tủ lạnh, 3 máy lạnh mở 24/24. Vợ con tôi đã quen dùng máy lạnh khoảng 23-24 độ C, mấy ngày nắng nóng phải chỉnh xuống 20-21 độ C mới đủ mát. Biết là tiền điện sẽ đội lên cao nhưng nóng quá, không xài không được" - anh Thái bộc bạch.

Giải thích lý do hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho biết trong tháng 4, sản lượng điện sinh hoạt tại TP HCM tăng 12% so với tháng 3 và tăng 20% so với tháng 4-2023.

"Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn thành phố, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình). Số khách hàng sử dụng bậc 6 đã tăng lên 44% (tháng bình thường chỉ chiếm khoảng 25%)" - ông Kiên nêu số liệu.

Theo ông Kiên, ngay từ những ngày đầu tháng 4, EVNHCMC đã dự báo tình hình và liên tục có những cảnh báo gửi tới các khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến.

Trong tháng 4, toàn TP HCM tiêu thụ hơn 2,75 tỉ KWh điện, tăng 12,44% so với tháng 3. Đỉnh điểm, ngày 26-4 tiêu thụ đến 103,46 triệu KWh - mức cao nhất từ trước đến nay.

"Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, EVNHCMC đề nghị khách hàng, các hộ gia đình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước…" - ông Kiên nói.

Trước tình hình trên, UBND TP HCM cũng đã ban hành Công văn số 2325 ngày 26-4-2024 về đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn thành phố trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong đó, riêng với các hộ gia đình, cần thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà. 

Tiêu thụ điện trong kỳ nghỉ lễ cao kỷ lục

Ngày 2-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tiêu thụ điện trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay tăng rất cao so với quy luật hằng năm. Do nắng nóng ở cả 3 miền, trung bình ngày trong cả kỳ nghỉ lễ, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860,5 triệu KWh/ngày.

Nếu so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023 thì sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30,6%.

Theo EVN, tình hình nắng nóng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt được dự báo kéo dài so với trung bình hằng năm.

"Tiêu thụ điện ở miền Bắc được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay. Nếu nắng nóng diễn ra ở cả 3 miền cũng làm tiêu thụ điện của toàn quốc sẽ tăng mạnh, gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô" - đại diện EVN nhấn mạnh.

Để bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện, đầu tư xây dựng và tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải. EVN cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19 giờ đến 23 giờ).

M.Chiến