Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không xem xét chỉ ở góc độ kinh tế nhưng cũng không chỉ đặt vấn đề bảo vệ môi trường mà bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Chủ tịch UBND TP HCM đã phát biểu như trên tại hội nghị lấy ý kiến về Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP HCM tổ chức sáng 19-10. Hội nghị có sự tham dự của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành, tư vấn…
Vị trí cảng quốc tế Cần Giờ
Ông Phan Văn Mãi cho biết với dự án này, TP đã chuẩn bị rất kỹ, tìm nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra quyết định cuối cùng bởi nhận thức rõ việc phát triển cảng nhạy cảm với môi trường, vấn đề liên vùng...
Lãnh đạo TP HCM khẳng định cảng trung chuyển Cần Giờ cũng như bất kỳ dự án nào khác đều hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố không đánh đổi bằng mọi giá mà cân nhắc, so sánh giữa lợi ích kinh tế xã hội và tài nguyên môi trường để phát triển theo hướng bền vững.
"Dự án cảng Cần Giờ không xem xét chỉ ở góc độ về kinh tế nhưng cũng không chỉ đặt vấn đề bảo vệ môi trường mà bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Mọi thứ đều có sự đánh đổi nhưng sự đánh đổi thế nào để hài hoà, hướng đến lợi ích cao nhất, gây tác động tiêu cực ít nhất thì cần tính đến"- ông Phan Văn Mãi nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, đang có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra lựa chọn.
Đầu tiên là đánh giá sự xung đột kinh tế khi triển khai cảng trung chuyển Cần Giờ với các cảng biển xung quanh. Thứ hai là hạ tầng phục vụ bến cảng. Theo đó, khi đặt vấn đề nghiên cứu phát triển cảng, câu chuyện kết nối đường bộ thì có ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển hay không. Vấn đề này, theo ông Phan Văn Mãi, sẽ được thành phố tính kỹ nhưng dự kiến các công trình lớn kết nối chỉ thực hiện sau năm 2030.
Vấn đề thứ ba, cũng là quan trọng nhất, là sự tác động thế nào đến khu dự trữ sinh quyển. Ông Phan Văn Mãi đề nghị các nghiên cứu cần tránh hai xu hướng là muốn làm cảng quá mà bỏ qua nhưng ngược lại vì lo ảnh hưởng khu sinh quyển mà không dám làm gì.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương xây dựng cảng quốc tế Cần Giờ nhằm nâng tầm TP HCM và cùng với cảng Cái Mép – Thị Vải. Khu vực này sẽ là cụm cảng ngang tầm với các cảng lớn của quốc tế.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia, bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án bởi hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế nào, nhiều cuộc họp bàn đi bàn lại từ Cam Ranh đến khắp nơi nhưng không nơi nào làm
"Thực hiện cảng tại huyện Cần Giờ, TP HCM sẽ bổ sung cho cảng Cái Mép và nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia, phát triển bổ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau, vì lợi ích quốc gia chứ không vì lợi ích TP HCM. Hiện nay, pháp lý dự án đầy đủ nhưng Chính phủ yêu cầu làm rõ một số ý, như liên quan tác động rừng. Thực tế không có dự án nào không gây tác động nhưng phải đặt cái nhìn tổng thể và lựa chọn những lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn cho quốc gia", TS Trần Du Lịch cho hay.
Cảng xanh đầu tiên
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ) có mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Theo đề án, vị trí cảng là khu vực cù lao Con Chó nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.
Về quy mô, tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan khoảng 2 km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 teu)… Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ sử dụng điện để trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Sau khi hoàn thành, cảng đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển. Trong tương lai không xa, nơi đây đem về nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn hiện hạ tầng đường sá, thu hút đầu tư...