Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu

Admin

Bộ Công Thương sẽ phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2023, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm. Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động về những kết quả năm 2023 và nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024 của ngành công thương.

- Phóng viên: Năm 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, với Việt Nam và ngành công thương. Bộ trưởng có thể cho biết những khó khăn ấy đã tác động tới lĩnh vực công thương như thế nào?

+ Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả đất nước đã nỗ lực, kiên cường vượt qua khó khăn trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Với ngành công thương, những khó khăn tác động trực tiếp phải kể đến việc xuất khẩu và sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh những tháng đầu năm; tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập đã có sự chủ động, đổi mới phương thức thực hiện song vẫn còn những hạn chế; năng lực hội nhập của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.

Song, toàn ngành đã sớm nhận diện những khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

- Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỉ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. Xin Bộ trưởng phân tích rõ hơn về vấn đề này?

+ Năm 2023, công tác phát triển thị trường được triển khai theo cả bề rộng và chiều sâu. Đơn cử, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, bên cạnh các sự kiện hội chợ, kết nối giao thương trong nước và tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu... công tác giao ban thương vụ đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu- Ảnh 2.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt nhiều kết quả tích cực

Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật diễn biến hoạt động xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới để có giải pháp, đề xuất tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho dòng chảy hàng hóa được thông suốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỉ USD.

Một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư ước đạt trên 27 tỉ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

- Bên cạnh xuất siêu đạt kỷ lục, xuất nhập khẩu nước ta năm qua còn điểm sáng nào khác, thưa Bộ trưởng?

+ Thẳng thắn nhìn nhận, con số tăng trưởng xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm mà hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm.

Năm 2023, chúng ta đã chọn thị trường Trung Quốc là điểm đột phá. Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và mở cửa nền kinh tế để cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Kết quả, đã khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.

Ngoài thị trường Trung Quốc, đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp đáng kể.

- Thị trường trong nước tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2023. Bộ trưởng có thể làm rõ những giải pháp ngành đã thực hiện để thúc đẩy thị trường trong nước?

+ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng 3 trụ cột tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; trong đó thị trường và tiêu dùng nội địa đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Trong những năm gần đây, nhận thức về thị trường trong nước của các doanh nghiệp và các nhà quản lý đã thay đổi cơ bản. Theo đó, thị trường nội địa không còn chỉ như một giải pháp thay thế khi xuất khẩu gặp khó khăn. Trái lại, thương mại trong nước đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu- Ảnh 3.

Thị trường trong nước tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Trong thành công của thương mại nội địa năm 2023 có sự đóng góp của thương mại điện tử (TMĐT), khi trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.

Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2023 ước đạt 20,5 tỉ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

- Năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường. Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch để ứng phó như thế nào, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thưa Bộ trưởng?

+ Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mạ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu- Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế. Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Bộ Công Thương sẽ chú trọng tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, khai thác, chế biến khoáng sản quý, chíp và chất bán dẫn.

Cùng với đó, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu, đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ...

Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; tăng cường công tác quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản, để trở thành một động lực mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Về công tác đảm bảo an ninh năng lượng trong năm 2023 và định hướng xây dựng ngành năng lượng Việt Nam theo hướng tự chủ, bền vững trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết năm qua, việc đảm bảo năng lượng trong nước, nhất là năng lượng điện, gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định theo chức năng, thẩm quyền được phân công.

Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các tập đoàn năng lượng (EVN, TKV, PVN) thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện cũng như cung cấp than cho phát điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Về định hướng năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như đôn đốc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong ngành điện, than, dầu khí; chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện sớm đưa vào vận hành các công trình năng lượng điện, dầu khí... đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống.