Trong báo cáo vừa gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 tại kỳ báo cáo 8 tháng qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết năm 2022 được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương là trên 611 tỉ đồng.
Đồng thời, vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán là 137,6 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số vốn năm trước và năm nay giao Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện đầu tư công là gần 749 tỉ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo của bộ này cho thấy lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 31-7 là 71,7 tỉ đồng, chưa đạt 10% tổng vốn được giao. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài là 38 triệu đồng và thanh toán vốn kế hoạch năm nay 71,6 tỉ đồng.
Một loạt dự án được liệt kê có tỉ lệ giải ngân chậm như dự án đầu tư xây dựng Học viện Chính sách và phát triển mới giải ngân được gần 12,6 tỉ đồng, đạt 5,83% kế hoạch.
Dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu dữ liệu và năng lực điều hành hệ thống thông tin giải ngân được trên 24 tỉ đồng, đạt 34,3% kế hoạch…
Đặc biệt có một số dự án, nhiệm vụ có tỉ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí đã được giao vốn nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Cụ thể dự án quy hoạch tổng thể quốc gia giải ngân được 492 triệu đồng, đạt 0,85% kế hoạch.
Nhiệm vụ đầu tư khu cơ sở kỹ thuật và ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc; xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về phát triển doanh nghiệp chưa giải ngân được đồng nào dù đã được giao vốn.
Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công cả năm nay là 542.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, 7 tháng qua, số vốn được giải ngân mới đạt khoảng 186.848 tỉ đồng, bằng 34,47% kế hoạch giao.
Điều đáng nói là có tới 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Góp ý cho dự thảo nghị quyết về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sắp được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng thì phối hợp với nhà thầu để triển khai thủ tục tạm ứng. Như vậy, nhà thầu mới có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ thi công dự án.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính cho rằng cần phối hợp với các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành.
Đồng thời, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ đối với dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài…