Nhắc đến trái sầu riêng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sầu riêng Cái Mơn Bến Tre, Ri6 Vĩnh Long, Dona Đồng Nai… Nhưng từ lâu, sầu riêng đã âm thầm đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái trên mảnh đất đỏ bazan tỉnh Bình Phước, nơi được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu, điều, cao su.
Hiện, tổng diện tích sầu riêng tỉnh này đã đạt gần 6.000ha, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau tỉnh Đồng Nai.
Đáng chú ý, nhờ đi sau, hầu hết các nhà vườn sầu riêng nơi đây đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Minh chứng là nhiều nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.
Đi đầu để làm chủ công nghệ
Hiện, tỉnh Bình Phước có nhiều nông dân làm chủ cả công nghệ chế biến, đưa quả sầu riêng từ vườn đến tận tay nhà nhập khẩu, khẳng định thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị sầu riêng Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung.
HTX Bầu Nghé tại thị xã Phước Long do ông Trương Văn Đảo - Giám đốc HTX dẫn dắt là một điển hình. Đây là đơn vị duy nhất của tỉnh Bình Phước có mã số kép về vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng đi thẳng Trung Quốc.
Đến thăm nhà xưởng có diện tích hơn 5.000m2 với đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại cấp đông sầu riêng nguyên trái, chế biến sâu sản phẩm của ông Trương Văn Đảo, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi người nông dân chân đất đã vươn vai thành doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Đảo phấn khởi cho biết, với gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Phước Long là bấy nhiêu thời gian ông đặt hết tâm sức cho cây sầu riêng, luôn cố gắng tạo ra trái sầu riêng có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, an toàn.
Nhận thấy đa số sầu riêng ở địa phương thiệt thòi do bị thương lái thao túng, muốn bứt phá, cần phải chế biến sản phẩm tại chỗ theo hướng chuyên sâu để gia tăng giá trị sản phẩm.
Từ đó, HTX Bầu Nghé đã xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu để thuận lợi cho người dân, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, phương thức chủ yếu nhà máy HTX Bầu Nghé áp dụng là cấp đông nguyên trái và tách múi, toàn bộ kho chứa ứng dụng công nghệ cấp đông bằng khí ni-tơ lạnh được nhập khẩu từ châu Âu. Nhà máy đáp ứng nhu cầu bảo quản sản phẩm của tất cả hội viên trong và ngoài HTX, từ đó, giúp nhà nông chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
"Với độ lạnh dưới -100 độ C, việc cấp đông nhanh giúp giữ nguyên được hương vị sầu riêng, bảo quản được lâu và không bị thất thoát khối lượng, giải quyết được hàng chín rộ và tính được chuyện dự trữ khi thừa hàng, dội chợ”, ông Đảo chia sẻ.
Theo đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn. Muốn sầu riêng đi thẳng vào được thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói...
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại địa phương đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân và thay đổi tư duy sản xuất. Sở NN-PTNT cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng, các doanh nghiệp có mã đóng gói giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.
Nhiều cơ hội làm giàu cho nhà nông
Theo đại diện Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65 mã số với diện tích 2.412ha, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng.
27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5ha, sản lượng 14.030 tấn. Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn, gồm: huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%, Ri6 31%, Chín Hóa 5%, giống khác 4,3%.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.015ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn GAP.
Trong đó có 831ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Riêng trong tháng 7/2023, tỉnh Bình Phước đã có 21 mã số vùng trồng sầu riêng và 2 mã số đóng gói được cấp mới, nâng tổng số mã vùng trồng sầu riêng toàn tỉnh lên 38 với diện tích có mã số chiếm trên 20%/tổng diện tích sầu riêng cả tỉnh.
Đặc biệt, địa phương có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng, trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 HTX xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.
Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh tiến hành định kỳ sáu tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu, nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của tỉnh Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Tỉnh Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, mỗi héc-ta sầu riêng sau khi trừ hết chi phí, nhà nông thu hơn 500 triệu đồng/năm.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đã ban hành công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.